Trả lại giá trị đích thực cho các cuộc thi người đẹp
Ðã sáu năm kể từ khi quy chế chính thức về việc tổ chức thi người đẹp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Ngỡ rằng từ đó các cuộc thi người đẹp sẽ nhanh chóng đi vào lộ trình chuyên nghiệp; nhưng ngược lại, các sự kiện - hiện tượng tiêu cực, phản cảm quanh chiếc "vương miện" lại liên tiếp xảy ra. Và gần đây, khi khuất tất liên quan tới Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 bị phanh phui càng khiến dư luận bất bình và đặt câu hỏi về danh hiệu cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức...
"Loạn" thi người đẹp và đạo đức của chủ thể danh hiệu
Mấy năm trở lại đây, có lẽ không quốc gia nào trên thế giới lại có nhiều hoa hậu, người đẹp đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc như ở Việt Nam. Dù Quy định số 87/2008/QÐ-BVHTT&DL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định rõ ràng: "Mỗi năm chỉ tổ chức thi hoa hậu toàn quốc không quá một lần"; song trên thực tế, miễn là có nhà tài trợ và thu được lợi nhuận thì một cuộc thi hoa hậu nào đó vẫn được tổ chức từ cấp vùng tới thành phố, từ thành phố tới tỉnh, từ miền biển tới miền núi, từ miền ngược tới miền xuôi... Nơi tổ chức nghĩ ra đủ cách để lách luật, không thi "hoa hậu" thì đổi tên thành "người đẹp", "nữ hoàng", "hoa khôi"; không dùng được tiếng Việt Nam thì chuyển sang dùng tiếng nước ngoài. Bởi vậy các năm qua, nếu chú ý theo dõi, chắc chắn công chúng sẽ không biết đằng nào mà lần giữa các kiểu loại thi nhan sắc từ "Hoa khôi thể thao", "Hoa khôi trí tuệ", "Hoa khôi du lịch Hà Nội"... đến "Người đẹp thời đại qua ảnh", "Người đẹp hoa anh đào", "Người đẹp tỏa sáng",... Ðó là chưa kể các cuộc thi tôn vinh sắc đẹp thì ít mà quảng bá sản phẩm thì nhiều như: "Nữ hoàng trang sức Việt Nam", "Nữ hoàng cà-phê", "Miss Auto"... cùng vô số cuộc thi hoa khôi cấp ngành, cấp trường khác!
Nếu như trước đây, nói tới "hoa hậu" là nói tới biểu tượng có ý nghĩa tổng hòa vẻ đẹp của nhan sắc, trí tuệ và tâm hồn thì giờ đây, do "lạm phát hoa hậu", biểu tượng như đã bị mất đi giá trị đích thực của nó. Vì khi một thí sinh có thể tham gia tới ba, bốn cuộc thi nhan sắc thì sự gia tăng số lượng tất yếu sẽ dẫn tới sự sa sút về chất lượng. Cho nên chuyện Julia Hồ, một "hot girl" ăn chơi có tiếng bỗng trở thành "Hoa hậu hoàn cầu" cũng chẳng phải là quá bất ngờ. Khi mà "công - dung - ngôn - hạnh" bị đặt sang một bên để đồng tiền "lên ngôi" thì cũng là lúc các cuộc thi người đẹp không còn là nơi tranh tài của nhan sắc và tài năng nữa mà trở thành sân chơi, cơ hội đổi đời một cách dễ dãi cho một số cô gái bị tham vọng nổi tiếng lôi cuốn. Và đương nhiên, lúc "hào quang trên vương miện" lụi tắt cũng là lúc những xấu xí, sự lừa bịp lộ nguyên hình, gây phản cảm đối với người hâm mộ.
Mấy năm gần đây, dường như không có cuộc thi hoa hậu nào không xuất hiện điều tiếng. Nào là Hoa hậu Việt Nam 2008 chưa học xong lớp 12, Hoa hậu Việt Nam 2012 không trung thực về trình độ học vấn, á hậu cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam khai man xuất xứ, bằng cấp; và gần đây nhất là "cú lừa" ngoạn mục của Diễm Hương - Hoa hậu Thế giới người Việt, đã khiến cho cụm từ "người đẹp nói dối" trở nên thông dụng. Ðược biết, từ năm 2011, trước khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012, Diễm Hương đã bị nghi ngờ về tình trạng kết hôn, nhưng người đẹp phủ nhận hoàn toàn và cho đây là tin đồn nhảm nhí. Ðể đi tới thành công, Diễm Hương đã không ngần ngại phủ nhận sự tồn tại của chính gia đình mình - điều mà mọi phụ nữ Việt Nam đều luôn luôn trân trọng. Tới năm 2013, khi sự việc chưa bị "khui" ra, "người đẹp" này còn được mời và nghiễm nhiên làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, trở thành một trong những người cầm cân nảy mực cho một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, điều mà giờ đây ngẫm lại thấy rất khó chấp nhận. Thiết nghĩ, bản thân cái đẹp đã là một vốn quý, sở hữu sắc đẹp và mong muốn được nổi tiếng cũng là lẽ thường tình; nhưng nhân danh cái đẹp để đạt đến sự nổi tiếng thông qua hành vi lừa dối công chúng, chính xác hơn là lừa dối lòng tin của người hâm mộ, thì làm sao có thể chấp nhận.
Ðã là hoa hậu, là biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ thì khi mang vương miện cũng là lúc gánh trên vai cả trách nhiệm trước xã hội. Tư cách đại diện yêu cầu hoa hậu phải là người có ý thức thông qua hình ảnh và việc làm của mình để giúp xã hội ngày càng đẹp hơn. Ðó là điều công chúng mong đợi, cũng là điều mà ban giám khảo - những người có quyền phán xét quyết định trong cuộc thi cần phải xác định để trao trách nhiệm đúng người. Tuy nhiên, đã có một số trường hợp hoa hậu chỉ tồn tại theo lối "một phút huy hoàng rồi chợt tắt", đăng quang xong cũng chẳng khác gì trước lúc chưa đăng quang, không đóng góp được gì cho cộng đồng, và câu chuyện "hậu hoa hậu" mà báo chí đề cập lại hầu như chẳng có liên quan tới danh hiệu hoa hậu! Trái ngược với bộ phận nói trên, phần lớn các hoa hậu đều biết cách dùng tên tuổi của mình để vận động tài trợ, thực hiện các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, nhìn vào cái cách mà một số hoa hậu làm từ thiện, dư luận nhiều khi không khỏi phản nàn về sự phản cảm. Như ngày nọ, một hoa hậu tới bệnh viện thăm bệnh nhân ung thư với vương miện trên đầu, phấn son lòe loẹt, nói cười rổn rảng trong ánh đèn loang loáng từ máy ảnh, máy quay phim tháp tùng. Những hình ảnh này dễ khiến nhiều người nghĩ đến giá trị của việc làm từ thiện, phải chăng hoa hậu vì người có hoàn cảnh khó khăn thì ít mà thu hút truyền thông, đánh bóng bản thân thì nhiều? Có một thực tế là mối quan hệ khăng khít "hoa hậu - truyền thông - thu hút tài trợ" cũng giống như chiếc "kiềng ba chân", do đó, liệu hình ảnh phản cảm về chuyện làm từ thiện của hoa hậu không biết lúc nào mới đến hồi kết?!
Trách nhiệm của cơ quan quản lý và ban tổ chức cuộc thi
Có thể coi tình trạng nêu trên như "ổ mối" có thể làm mục ruỗng ý nghĩa, giá trị cao đẹp của các cuộc thi nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Việc trao lầm vương miện cho người không xứng đáng không những làm cho công chúng mất niềm tin với các cuộc thi hoa hậu mà còn khiến nhiều cô gái trẻ ảo tưởng có thể dễ dàng nổi tiếng. Ðể xảy ra điều này, trước hết trách nhiệm là thuộc về cơ quan quản lý văn hóa, ban tổ chức các cuộc thi người đẹp. Nếu siết chặt quy chế tổ chức, nghiêm khắc và công minh, sẽ không có chuyện xuất hiện ồ ạt và khó kiểm soát của các cuộc thi hoa khôi, người đẹp. Nếu việc thẩm định hồ sơ của các thí sinh tham gia dự thi được thực hiện đến nơi đến chốn thì sẽ không để "lọt lưới" trường hợp gian dối lý lịch, trình độ. Nếu không buông lỏng quản lý thì sẽ không có chuyện ban tổ chức để doanh nghiệp toàn quyền tự tung tự tác, dẫn đến sai phạm chồng chất sai phạm như trong cuộc thi Nữ hoàng biển 2013. Thực tế cho thấy, các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam như đang có hướng bùng nổ theo công nghệ "mì ăn liền"? Bởi chỉ cần có tài trợ, có giấy phép, có một công ty truyền thông đứng ra lo tổ chức thì nơi nào cũng có thể cho "ra lò" một cuộc thi người đẹp. Ðể rồi khi yếu tố lợi nhuận lên ngôi thì các tiêu chuẩn về tài năng, trí tuệ của người tham dự cũng ít được chú trọng như là các yếu tố hàng đầu. Thế nên nhiều người không ngoa khi cho rằng, các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ngày nay chỉ đơn thuần là sự kinh doanh nhan sắc! Ðiều này giải thích tại sao có nhiều người đẹp ngay khi vừa bước chân ra khỏi cuộc thi đã được các "đại gia" săn đón. Và đã có một đường dây mại dâm là các hoa hậu, hoa khôi, người mẫu được hình thành để làm nên vụ án gây chấn động xã hội năm 2013.
So sánh với các cuộc thi hoa hậu quốc tế mới thấy công tác tổ chức các cuộc thi người đẹp ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Trong khi để có được một cuộc thi minh bạch, thành công, các nước trên thế giới phải chuẩn bị cả năm trời, thành lập nhiều tiểu ban để lo giải quyết các công việc khác nhau, như giáo dục, pháp luật, truyền thông,... thì ban tổ chức một số cuộc thi người đẹp ở Việt Nam lại trao mọi việc cho công ty tổ chức sự kiện mà quên vai trò của mình trong chỉ đạo, giám sát, xử lý sự cố. Ở "cái nôi hoa hậu thế giới" là Vê-nê-xu-ê-la có cả một công nghệ đào tạo thí sinh, vừa trang bị cách làm đẹp, vừa đào tạo các kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội, kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, người đẹp đăng quang tại các cuộc thi hoa hậu quốc tế đều thông thạo một số ngoại ngữ, ứng xử khéo léo và thông minh trong khi đó, nhiều người đẹp lọt vào chung kết một số cuộc thi hoa hậu ở nước ta còn nói ngọng, và đôi lúc khiến khán giả bật cười vì những câu trả lời ấu trĩ, ngây ngô,...
Thiết nghĩ, để tiến tới việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu đúng nghĩa, làm sao cho vẻ đẹp nhan sắc, tài năng, trí tuệ người phụ nữ Việt Nam được tỏa sáng, công tác tổ chức thi hoa hậu cần phải được chuyên môn hóa triệt để, mà việc đầu tiên và quan trọng nhất là vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp là Cục Nghệ thuật biểu diễn) trong việc cấp giấy phép tổ chức cuộc thi. Bên cạnh đó, việc thẩm định lý lịch thí sinh cũng như việc đôn đốc, kiểm tra quá trình tổ chức cuộc thi phải được tiến hành nghiêm túc. Ðối với sai phạm của hoa hậu, người đẹp nào đó từ một cuộc thi, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Vì như chúng ta đã biết, người đẹp đăng quang Hoa hậu Pháp năm 2004 đã bị tước vương miện khi bị phát hiện từng chụp ảnh khỏa thân; Hoa hậu Thế giới người Ðức năm 1980 cũng bị buộc trả lại danh hiệu khi bị lộ những thông tin thất thiệt về đời tư; Hoa hậu Hoàn vũ năm 2002 người Nga cũng phải trao lại ngôi vị khi không hoàn thành bổn phận một Hoa hậu Hoàn vũ; rồi Hoa hậu Hàn Quốc năm 2008 cũng bị tước vương miện vì các bức ảnh khêu gợi được chụp cách đó hai năm, khi cô còn là một người mẫu. Dẫu thế nào thì chỉ khi chúng ta thật sự coi trọng công tác quản lý, chuẩn bị kỹ lưỡng công việc tổ chức, đồng thời có các chế tài mạnh để xử lý vi phạm thì khi đó, những cuộc thi hoa hậu mới thật sự phát huy giá trị và không còn "đất" cho những người kém đạo đức, thiển cận chạy theo ham muốn được nổi tiếng.
. Theo HỒNG TRANG (Nhân Dân)