Ngân sách cho ASIAD 18 lên đến 300 triệu USD
Một vài “hạng mục” trong đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức ASIAD 18 năm 2019 mà Bộ VH-TT-DL xây dựng, đã bị phản đối tại phiên giải trình của Chính phủ do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào ngày 18.3.
Nếu số tiền tăng vọt thì lấy đâu ra nguồn ?
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã rất “đau đầu” trước một loạt những câu chất vấn từ một số đại biểu Quốc hội về vấn đề cốt yếu nhất của việc đăng cai ASIAD 18: Tiền! Tuy nhiên, phần trả lời của ông hơi nhạt, nhẹ, thậm chí có lúc còn lạc đề (!?). Theo công bố của Bộ này, kinh phí tổ chức ASIAD 18 vào khoảng 150 triệu USD (3.000 tỉ đồng). Nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh đã kể ra số liệu có thể gây sốc: “Theo dự kiến của Bộ VH-TT-DL, nguồn thu từ tổ chức ASIAD khoảng 1.131 tỉ đồng, ngân sách nhà nước sẽ phải đảm bảo 5.475 tỉ đồng - tương đương 300 triệu USD, tăng gấp hai lần so với 150 triệu USD là kinh phí cần thiết trong đề án của Bộ. Mà dự toán này chưa bao gồm kinh phí đào tạo VĐV vào khoảng hơn 820 tỉ đồng. Ngành thể thao cho biết đã có sẵn 80% số lượng công trình phục vụ ASIAD, nhưng số tiền để duy tu, nâng cấp, sửa chữa vào khoảng 2.600 tỉ đồng. Còn tiền để đầu tư xây mới cần trên 3.000 tỉ nữa”. Bộ Tài chính còn thống kê, VN chi hơn 3.200 tỉ đồng để tổ chức SEA Games 22 cách đây 11 năm. Trong khi đó, ASIAD 18 có quy mô hoành tráng hơn (chưa kể thời giá đã tăng khoảng 2 lần so với năm 2003) thì 150 triệu USD liệu có phải con số “phi lý” hay thực chất cần phải tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ hơn thế? Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng chất vấn: “Nếu số tiền tăng vọt thì lấy đâu ra nguồn?”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời, trong đó có ý: “Chúng tôi nhận thức được kinh tế VN còn hết sức khó khăn nhưng khó khăn chỉ là tạm thời. Đây sẽ là cơ hội lớn giúp VN nâng cao vị thế chính trị, thu hút đầu tư, khách du lịch, tạo niềm tin cho khu vực, thế giới. Tổ chức ASIAD 18 cũng là dịp để ta đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao, điều kiện để nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt, đầu tư cho thể thao chính là đầu tư cho con người. Thể lực của người VN đang rất có vấn đề nên từ sự kiện này sẽ được cải thiện...”. Bất động sản còn đang “chết”, xây làng VĐV để làm gì ? Câu hỏi của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh như một cách bày tỏ thái độ không đồng tình với kế hoạch xây làng VĐV rồi sau ASIAD bán lại cho dân. Ông có thêm nỗi âu lo lớn nữa: “Theo đề án, VN sẽ xây sân đua xe đạp lòng chảo kèm các công trình khác với 10.000 tỉ đồng. Chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc thì thấy dự án này không khả thi vì họ đề nghị được kinh doanh cá cược và đòi ưu đãi thuế cao nhất. Luật pháp VN hiện tại cho phép vận hành kinh doanh cá cược nhưng không cho phép ưu đãi thuế. Nên chọn phương án khác. Xây sân đua ngựa ở Lâm Đồng, sân golf Long Thành cũng có nhiều rủi ro cần nghiên cứu kỹ”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương quyết liệt: “Nếu không thỏa thuận được với nhà đầu tư thì không nhất thiết phải tổ chức môn đua xe đạp lòng chảo. Phải đảm bảo tiết kiệm, tận dụng triệt để những cơ sở vật chất có sẵn và chỉ chấp nhận một tỷ lệ tốn kém nhất định. Nếu Thủ tướng thông qua đề án tổ chức ASIAD, từ năm 2015, khả năng ngân sách T.Ư có thể đáp ứng được 1.000 - 1.500 tỉ đồng cho thể thao, nhiều hơn năm 2014 (680 tỉ đồng - PV)”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi yêu cầu chỉ xây những công trình thật sự cần thiết phù hợp với điều kiện của nhà nước.
. Theo TNO