Áp dụng HTQLCL ISO 9001:2008 tại các cơ quan nhà nước:
Tiến độ còn chậm
Tính đến nay, việc áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) trong tỉnh đã trải qua 2 giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên, so với mục tiêu đã đề ra, kết quả thực tế còn khá khiêm tốn.
Theo Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các CQHCNN có lĩnh vực hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân phải xây dựng và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-UBND về việc áp dụng ISO 9001:2008 vào hoạt động của các CQHCNN và Quyết định số 88/QĐ-UBND về việc ban hành danh sách các CQHCNN của tỉnh thuộc diện không nhất thiết phải áp dụng ISO 9001:2008.
ISO 9001:2008 giúp cơ quan hành chính chuẩn hóa quy trình làm việc.
- Trong ảnh: Cán bộ Sở Khoa học-Công nghệ đang làm việc. Ảnh: M.H
Theo quy định của UBND tỉnh, đến hết ngày 31.12.2013, toàn tỉnh sẽ có khoảng 70 CQHCNN các cấp phải hoàn thành việc áp dụng và chứng nhận HTQLCL ISO 9001:2008. Tuy nhiên, theo tổng kết của Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (thuộc Sở KHCN) - đơn vị chịu trách nhiệm triển khai ISO 9001:2008, giai đoạn đầu (2007-2010) cả tỉnh có 27 CQHCNN phải xây dựng, áp dụng ISO 9001:2008, nhưng chỉ có 20 đơn vị đã hoàn thành hoặc đang thực hiện, đạt tỉ lệ 75%; giai đoạn 2 (2011-2013) số cơ quan phải thực hiện là 43 đơn vị, nhưng chỉ có 30 cơ quan hoàn thành và đang thực hiện, đạt tỉ lệ hơn 69%, còn lại 13 cơ quan chưa thực hiện.
ISO 9001:2008 là tiêu chuẩn quốc tế về HTQLCL do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành. Việc áp dụng ISO 9001 đã tạo được cách làm việc khoa học, chuẩn hóa các quy trình hoạt động, loại bỏ được nhiều thủ tục không cần thiết; trách nhiệm cán bộ công chức được nâng cao; việc kiểm soát tài liệu, hồ sơ được nhất quán và cập nhật kịp thời; lãnh đạo kiểm soát được công việc; chất lượng dịch vụ hành chính được cải tiến, thỏa mãn nhu cầu của công dân.
Theo đánh giá của Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, so với mục tiêu đã đề ra, việc triển khai thực hiện ISO 9001:2008 còn chậm, tỉ lệ cơ quan chưa hoàn thành và cơ quan chưa có kế hoạch xây dựng và áp dụng còn cao. Ngoài ra, việc xây dựng và áp dụng ISO 9001:2008 ở một số cơ quan còn mang tính hình thức, đối phó, do đó không phát huy được những ưu điểm vốn có của ISO 9001:2008. Đồng thời, nhiều cơ quan, đơn vị, sau khi được đánh giá, cấp giấy chứng nhận đã không thực hiện việc duy trì và cải tiến hệ thống theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001:2008 nên đã bị thu hồi hoặc hết hiệu lực.
Ông Lê Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, cho biết: Nguyên nhân của những hạn chế là do lãnh đạo các cơ quan chưa thực hiện đầy đủ những cam kết khi thực hiện ISO 9001:2008, chưa xác định việc áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan là một nội dung bắt buộc của chương trình cải cách hành chính; một số tổ chức tư vấn chưa đủ kinh nghiệm về hoạt động của CQHCNN… Do vậy, việc gắn kết những yêu cầu của HTQLCL với quá trình hoạt động của cơ quan chưa tốt, các cơ quan chưa chủ động dự toán kinh phí cho việc xây dựng, triển khai, đánh giá ISO 9001:2008 nên ảnh hưởng đến việc duy trì hệ thống. Để việc triển khai thực hiện ISO 9001:2008 tại các CQHCNN hiệu quả hơn, UBND tỉnh cần quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về ISO 9001:2008 cho cán bộ, công chức tại các đơn vị.
MAI HỒNG