Mía cấy mô phát triển tốt trên đất Bình Định
Sau 3 vụ trồng thử nghiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học-Công nghệ (ƯDTBKHCN) Bình Định đã khẳng định 2 giống mía cấy mô Suphaburi 7 và K95-156 phát triển tốt, năng suất cao, dễ trồng, chịu hạn tốt, có thể phát triển ở Bình Định.
Việc xây dựng mô hình (MH) nhân 2 giống mía cấy mô nói trên thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn miền núi giai đoạn 2011- 2015” của Bộ KHCN. Từ 2 giống mía này, Trung tâm ƯDTBKHCN đã nhân 100 ngàn cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Từ đó đưa ra vườn ươm, sau đó lấy mắt (hom) đem trồng tại các MH. Giống cấy mô có đặc điểm vượt trội so giống bằng hom bình thường. Vì là giống đầu dòng nên vẫn giữ các đặc tính tốt ban đầu, chưa thoái hóa, chưa nhiễm sâu bệnh, phát triển nhanh, cho năng suất cao.
Vụ mía năm 2013- 2014, Trung tâm thực hiện các MH sản xuất mía giống và mía nguyên liệu từ cây mía cấy mô. MH sản xuất mía giống có diện tích 21 ha, trong đó có mía tơ giống cấy mô và giống chồi mắt, mía gốc 1 (cũng từ giống cấy mô). Thời vụ trồng vào tháng 2, thu hoạch vào tháng 12.2013, qua 11 tháng, năng suất đạt từ 98 - 107 tấn/ha. Các chỉ tiêu kỹ thuật như nảy mầm, đẻ nhánh, vươn lóng, chữ đường đều đạt yêu cầu.
Ông Phạm Thanh Sang, ở thôn 4 xã Bình Nghi - huyện Tây Sơn, cho biết: Tôi trồng 1,5 ha mía giống Suphanburi 7, bằng hom, từ giống cấy mô, sau 9 tháng trồng, năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha. Với giá từ 1.000 - 1.200 đồng/kg (cao hơn mía nguyên liệu từ 100 - 300 đồng/kg), nếu so giống mía R579 trồng các vụ trước cũng trên thửa ruộng này, thì năng suất giống Suphanburi 7 tăng hơn 1,5 lần.
Trước đó, trong hai vụ mía từ năm 2011- 2013, Trung tâm đã triển khai khá nhiều MH sản xuất mía giống và mía nguyên liệu cũng từ 2 giống mía cấy mô nói trên, với diện tích khoảng 50 ha, tại Bình Nghi (Tây Sơn), Nhơn Thọ, Nhơn Tân (An Nhơn). Theo báo cáo của Trung tâm, năng suất các MH đều đạt từ 100 - 120 tấn/ha.
Ông Lê Minh Phương, Phó Trưởng phòng nguyên liệu Công ty CP Đường Bình Định, cho biết: Hai giống mía Suphanburi 7, K95-156 là giống mới, lại nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nên các đặc tính trội của cây vẫn giữ, năng suất cao, nếu thâm canh có thể đạt 120 - 170 tấn/ha. Các giống mía này dễ trồng, chịu hạn tốt, chưa có sâu bệnh, nhẹ phân, tái sinh tốt, cho chu kỳ thu hoạch 4 năm (mía tơ, mía gốc 1-2-3) phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở Bình Định. Hiện vùng nguyên liệu của Công ty có khoảng 30 ha trồng 2 giống mía này. Công ty sẽ khuyến khích nông dân phát triển giống mía Suphanburi 7 và K95-156.
HOÀNG LÂN