Nuôi tu hài thương phẩm:
Cần có định hướng cụ thể
Hội đồng KHCN chuyên ngành tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu và xếp loại khá cho đề tài “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nghiên cứu ương nuôi thương phẩm tu hài tại Bình Định” do Trung tâm Giống thủy sản Bình Định thực hiện.
Tu hài là một loài nhuyễn thể hai mảnh có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, thích nghi với môi trường nước trong, có độ mặn ổn định. Từ số tu hài bố mẹ khai thác tự nhiên được mua về từ Phú Yên, Khánh Hòa với số lượng trên 400 con, Trung tâm Giống thủy sản đã ương nuôi thành công trên 40.000 con tu hài giống. Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức 3 điểm nuôi tu hài thương phẩm tại đầm Đề Gi, đầm Thị Nại và khu vực biển Hải Giang, thuộc xã Nhơn Hải - TP Quy Nhơn. Thời gian nuôi bắt đầu từ tháng 1.2012, với 2 hình thức nuôi là nuôi treo và nuôi thả đáy.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, đầm Thị Nại và đầm Đề Gi không nuôi được tu hài thương phẩm. Vì các yếu tố môi trường như: hàm lượng oxy hòa tan, độ trong… tại địa điểm nuôi không đảm bảo cho tu hài thương phẩm sinh trưởng và phát triển. Riêng vùng biển bãi ngang khu vực Hải Giang (Nhơn Hải), các điều kiện tự nhiên, môi trường thích hợp cho việc nuôi tu hài thương phẩm.
Ông Lê Tấn Phát, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Ở Việt Nam, tu hài có trong tự nhiên ở một số tỉnh ven biển. Hiện nay tu hài đã được nhiều nơi cho sinh sản nhân tạo, song khi nuôi lên giống cấp 1, tỉ lệ sống rất ít. Ngoài ra, các mô hình nuôi thương phẩm tu hài cũng bước đầu khẳng định khả năng thích nghi và phát triển tốt của loài thủy sản này tại Bình Ðịnh. Hiện nay trong tỉnh chưa có hộ dân nào nuôi tu hài, Trung tâm sẽ tiếp tục sản xuất giống tu hài và cung cấp quy trình kỹ thuật nuôi cho các hộ dân có nhu cầu. Với giá bán hiện nay khoảng từ 300 - 400 ngàn đồng/kg, nuôi tu hài thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét, kết quả của đề tài đã góp phần làm đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi tu hài thương phẩm tại tỉnh ta chưa phổ biến nên cần có định hướng cụ thể và mở rộng nghiên cứu, khảo sát các vùng nước có thể nuôi được tu hài như Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), Hoài Hải (Hoài Nhơn)… để có cơ sở khoa học tiến hành nhân rộng mô hình, góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản trên địa bàn.
HIỀN MAI