Phòng chống cháy nổ tàu thuyền:
Phải chủ động, “đừng để mất bò mới lo làm chuồng”
Tại tỉnh ta, 2 năm qua, dù chưa xảy ra vụ cháy nổ tàu thuyền nào nghiêm trọng, nhưng với tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống cháy nổ (PCCN) hoặc không đảm bảo đầy đủ trang thiết bị PCCN trên tàu thuyền, cộng thêm công tác quản lý của ngành chức năng còn lỏng lẻo thì nguy cơ xảy ra cháy nổ là điều khó tránh khỏi…
Trung tuần tháng 3, phóng viên Báo Bình Định đã có chuyến khảo sát tại 3 cảng cá lớn gồm: Cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) và cảng cá Quy Nhơn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn). Và điều khiến chúng tôi hết sức lo lắng là công tác PCCN trên tàu cũng như tại cảng rất sơ sài, chiếu lệ.
Nguy cơ cháy nổ tàu cá rất khó lường khi diện tích của khoang tàu nhỏ (chừng 15 m2) nhưng chứa nhiều thứ dễ cháy như dầu diesel, ván, xốp…
Thiếu an toàn, lắm âu lo
Điều đáng lo đầu tiên là trên các tàu, mỗi chuyến ra khơi ngư dân chuẩn bị hàng ngàn lít dầu diesel, cùng một số vật dụng, thiết bị khác dễ cháy như: bình gas, bình ắc-quy, ván, xốp. Những tàu đánh bắt xa bờ được trang bị đầy đủ các loại máy móc, thiết bị hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy bơm nước… các loại máy này sử dụng điện 220V nhưng nhiều chủ tàu lại chủ quan, ít khi kiểm tra độ an toàn trong khi các thiết bị, mạng điện trên tàu tiếp xúc với hơi nước biển lâu ngày dễ bị hư hỏng, mục nát khiến nguy cơ chập điện, cháy, nổ rất cao.
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết tàu thuyền đều không có các thiết bị PCCN như bình chữa cháy, bơm nước, vòi phun… Một nỗi lo khác, vẫn còn không ít ngư dân vì hám lợi đã bất chấp nguy hiểm lén lút mang chất nổ lên tàu để tự chế đánh cá, khiến nguy cơ cháy, nổ tàu thuyền luôn ở mức đáng báo động.
Ngư dân Trần Thanh Châu, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) - chủ tàu cá BĐ 96191-TS có công suất 420 CV hành nghề câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ tàu thuyền thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là sự chủ quan của các chủ tàu và bạn ghe. Ngay cả việc đơn giản như thắp nhang thờ, cúng trên thuyền theo tín ngưỡng của ngư dân nếu không cẩn thận cũng có thể gây cháy nổ”.
bài toán nan giải
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 7.239 tàu cá, tổng công suất hơn 900 ngàn CV, với khoảng 42.000 ngư dân khai thác thường xuyên trên biển. Trong đó, có 2.800 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản ở các vùng biển xa. Mấy năm gần đây đã xảy ra gần chục vụ cháy tàu thuyền của ngư dân Bình Định, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Đơn cử, năm 2010 tàu cá của ông Nguyễn Quý ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc cháy lớn nhưng do không sẵn sàng các phương tiện chữa cháy cần thiết, chủ tàu đành phải chặt dây neo để tàu trôi ra giữa sông nhằm tránh gây cháy lan sang tàu khác.
Đó là nhận định của Thượng tá Trần Xuân Chí - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PC 66) - Công an tỉnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về công tác PCCN tàu thuyền. Theo ông Chí, nguy cơ cháy nổ trên tàu thuyền hiện ở mức đáng báo động. Thế nhưng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta việc mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCN cho ngư dân chưa được coi trọng; thiếu các đội PCCN trên mặt nước nên đây là lổ hổng lớn trong công tác PCCN hiện nay. Thượng tá Trần Xuân Chí đề xuất: “Thời gian đến, việc tập huấn nghiệp vụ PCCN cho ngư dân cần phải tính toán trở lại. Các ban ngành như Phòng CSGT đường thủy, Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý các cảng cá, khu neo đậu, chính quyền địa phương… cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, tổ chức diễn tập các phương án PCCN trên tàu. Qua đó, chúng ta tạo tâm lý tự tin và trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho ngư dân khi có hỏa hoạn xảy ra”.
Cùng suy nghĩ này, ông Hồ Văn Danh, Trưởng phòng Quản lý tàu cá - Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN - PTNT), cho biết: Dù thời gian qua, ý thức PCCN của ngư dân được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận ngư dân vì cái lợi trước mắt nên lơ là, chủ quan trong việc PCCN. Thời gian đến, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng ở các địa phương tăng cường kiểm tra công tác PCCN trên các tàu thuyền. Nếu có sai sót, sẽ lập biên bản yêu cầu các chủ tàu trang bị dụng cụ PCCN trên phương tiện theo đúng quy định. Đồng thời, buộc các chủ tàu phải cử người tham gia huấn luyện kỹ năng PCCN, cách sử dụng các thiết bị chữa cháy. Riêng trong công tác đăng kiểm, chúng tôi chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện đáp ứng yêu cầu an toàn PCCN.
Ngoài ra, để chủ động ngăn ngừa PCCN trên tàu thuyền, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các tàu thuyền không chấp hành việc trang bị các thiết bị PCCN. Đồng thời, ngành chức năng cần quy định việc tham gia lớp tập huấn kiến thức PCCN tàu thuyền đối với ngư dân. Mặt khác, ngư dân cần tự giác chấp hành các quy định về PCCN trong quá trình sử dụng các nhiên liệu dễ gây cháy; phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những hư hỏng của trang thiết bị để kịp thời khắc phục, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
TRỌNG LỢI
Khi nào hệ thống Lý luận chính trị chúng ta chấm dứt tồn tại những Cụm từ " Tổng kiểm tra", " Tổng rà soát, đánh giá", " Tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá để rút kinh nghiệm và đưa ra bài học sâu sắc" thì khi ấy Chuồng sẽ làm trước khi mua Bò về.