Sôi động Lễ hội Văn hóa - thể thao huyện An Lão
Trong 2 ngày 17 và 18.3, Lễ hội Văn hóa (VH) và Đại hội TDTT huyện An Lão lần thứ VII đã diễn ra, thu hút khoảng 7.000 người đến xem. Đây là sân chơi mà huyện miền núi này đã duy trì tổ chức định kỳ trong suốt 20 năm qua. Năm nay, có 15 đơn vị với hơn 500 diễn viên quần chúng, vận động viên tham gia tranh tài 6 môn thi văn hóa (làng - trại đẹp, văn nghệ, cắm hoa, nấu bánh tét, người đẹp, giã gạo nấu cơm) và 8 môn thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bắn nỏ, phóng lao, đẩy gậy, kéo co, bi-a).
Đa dạng sắc màu văn hóa
Tham quan 15 khu trại, làng của mỗi đoàn, đi giữa những dáng nét văn hóa kiến trúc Kinh, Bana, H’re được thể hiện mô phỏng, người xem có thể cảm nhận, hình dung phần nào về một không gian sống vừa đặc trưng vừa phong phú của các dân tộc.
Nếu các đơn vị đồng bằng nổi bật với những kiểu trại mùa hè bằng vải rực rỡ sắc màu, cổng trại trang trí thẩm mỹ, gởi gắm nhiều biểu tượng thì làng của các xã miền núi tạo ấn tượng bởi sự hiền hòa, dáng vẻ riêng đặc thù. Mỗi làng là một không gian sống thu nhỏ với nhà sàn, kho thóc, nhà nhốt trâu bò, chuồng gà, vịt, tất cả đều làm bằng tranh lá, lồ ô. Ở mỗi trại đều có một cây nêu trong sân. Trong nhà sàn, có ảnh Bác, vài bộ cồng chiêng, ghè rượu cần, lúa rẫy, bếp lửa… Ai chưa từng đặt chân đến vùng cao, qua những “phác thảo” này cũng có thể mường tượng về nơi sinh sống của người dân giữa đại ngàn. Làng của xã An Vinh còn “lấy lòng” người xem ở “mô hình VACR” được bố trí khéo léo ở phía sau. Trên bãi đất nhỏ, người An Vinh trồng vào đó cau, tiêu, keo, chuối… những cây trồng đã và đang mang lại cuộc sống no ấm cho họ.
Phần thi văn nghệ là một trong những nội dung được các đoàn dày công chuẩn bị. Theo đánh giá của Ban giám khảo, mỗi đơn vị đều có sự đầu tư dàn dựng, tập luyện, biểu diễn tiến bộ ở 3 thể loại múa, hát và nhạc cụ dân tộc. Các xã miền núi đã đưa những nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tốt nhất tham gia các tiết mục, làm nên chất lượng nghệ thuật cao. Đáng chú ý, lực lượng diễn viên hầu hết đều trẻ, cho thấy công tác phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong thế hệ trẻ được các địa phương chú trọng.
Hội thi người đẹp đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của khán giả. Điều đáng ghi nhận là giữa thí sinh ở đồng bằng và thí sinh người dân tộc thiểu số đã không có khoảng cách lớn về khả năng trình diễn trên sân khấu, thi năng khiếu - tài năng và trả lời ứng xử trước hàng ngàn khán giả. Thật vui khi thấy những cô gái Bana, H’re tự hào và tự tin khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt duyên dáng sải bước trên sân khấu.
Toàn dân vui hội
Giải toàn đoàn: Nhất: Trường THPT số 2 An Lão, Nhì: khối CNVC-LĐ, Ba: xã An Nghĩa.
Giải Nhất “Người đẹp Lễ hội”: Khối đồng bằng: Nguyễn Thị Bích Ngân (khối CNVC-LĐ); khối miền núi: Đinh Thị Liên (xã An Dũng).
Từng dự nhiều hoạt động lễ hội, ngày hội VH-TT miền biển lẫn miền núi, ở phạm vi cấp xã, huyện đến tỉnh, song chưa dịp nào tôi được chứng kiến một lễ hội thu hút lượng người xem đông vui như Lễ hội này. Đặc biệt, đêm khai mạc và bế mạc (17 và 18.3), không chỉ ở thị trấn và các xã lân cận như An Tân, An Hòa mà người dân các xã xa trung tâm, xã vùng cao như An Dũng, An Vinh, An Toàn cũng “hạ sơn” đến với Lễ hội. Địa điểm diễn ra Lễ hội là khu đất trống, không có khán đài. Những ánh mắt háo hức, tiếng reo hò, pháo tay giòn giã, nụ cười sảng khoái thường trực trên môi hàng ngàn người xem. Sự phấn khích ấy hòa với niềm say mê, nỗ lực hết mình của hàng trăm diễn viên, vận động viên trong mỗi tiết mục, phần thi.
Già làng Đinh Văn Trang ở xã An Toàn cho biết: “Tuy An Toàn chỉ có 3 thôn, lại ở xa nhất nhưng vẫn đưa 40 người tham gia lễ hội với đầy đủ các môn. Thôn 2 nhận làm nhà sàn, thôn 3 làm cây nêu và cổng chào, thôn 1 làm các công trình phụ, lũ trai tráng rủ nhau đi chặt lồ ô, bứt mây về cùng dựng. Thể thao, văn nghệ, ai có thế mạnh, năng khiếu đều nhiệt tình tham gia, các bá, các mí tuổi cao phải ở nhà thì trước đó truyền dạy lũ trẻ cách làm cây nêu, chỉ bảo con gái của làng cách vận thổ cẩm, đội khăn đầu sao cho đúng nhất, đẹp nhất”.
Lễ hội lần này thôn 6 xã An Vinh có số người tham gia đông nhất. Anh Đinh Văn Cung, Chủ tịch UBND xã An Vinh, phấn khởi chia sẻ: “Nay thôn 6 xã An Vinh đã có đường bêtông về thẳng thôn nên bà con phấn khởi vô cùng. Đi lại thuận lợi nên ai cũng muốn tham gia Lễ hội”.
Đánh giá về Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Tùng Lâm cho biết: “Đây là ngày hội biểu dương sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, là một trong những cơ sở để đánh giá công tác phát triển TDTT, văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Mặt khác, việc duy trì tổ chức định kỳ lễ hội này là hoạt động thiết thực của địa phương phục vụ nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
SAO LY