Bảo tồn, phát huy âm nhạc đồng bào dân tộc thiểu số
Trong Hội thi Tiếng hát giáo iên - học sinh ngành GD&ĐT Bình Định năm 2014 vừa được tổ chức, hầu hết các tiết mục dự thi của Trường PTDTNT tỉnh và các huyện miền núi, trung du là các ca khúc mang giai điệu, chủ đề về đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hoặc khu vực miền núi phía Bắc.
Qua tìm hiểu, các trường cho biết cũng muốn xây dựng chương trình mang bản sắc địa phương hay đặc trưng của đơn vị, nhưng tìm được các em học sinh biết hát dân ca hay biểu diễn nhạc cụ của dân tộc mình rất khó. Đã vậy, các trường dù đã cố gắng nhưng không tìm được các ca khúc có giai điệu, chủ đề viết về đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…
Đồng bào dân tộc Bana, Chăm H’roi, H’re sinh sống lâu đời ở các huyện trong tỉnh, hình thành bản sắc văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng. Đặc biệt là về mặt âm nhạc với nhiều loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ phong phú. Điều này thể hiện rõ trong nhiều lần tổ chức Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh hoặc ở cấp huyện, xã. Tuy nhiên, chỉ đến lúc có các hoạt động thi thố thì cán bộ văn hóa mới vận động, khuyến khích hạt nhân âm nhạc người đồng bào dân tộc thiểu số tập luyện và tham gia để kiếm… thành tích. Sau khi thi, các nghệ nhân cao tuổi trở về tiếp tục “âm thầm tự giữ” âm nhạc truyền thống, trong khi đó giới trẻ ở các làng đồng bào dân tộc thì ngày một rời xa. Điều này dẫn đến các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh ngày càng thiếu vắng học sinh biết biểu diễn âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.
Xét rộng hơn về mặt nghiên cứu, một số hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số của Chi hội Văn nghệ dân gian Bình Định đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tính tổng quát về văn hóa các dân tộc Bana, Chăm H’roi, H’re. Trong các đề tài này mới dành phần nhỏ nói về sinh hoạt ca, múa, nhạc, chứ chưa có những nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu những cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc để xây dựng thành tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập. Trên lĩnh vực sáng tác, lại càng hiếm tác phẩm của các nhạc sĩ Bình Định khai thác chất liệu âm nhạc, đề tài cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Chưa nói đến chuyện phát huy, muốn bảo tồn âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực trạng ngày càng mai một hiện nay cần có sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, sự “vào cuộc” nhiều hơn của giới nghiên cứu, sáng tác âm nhạc. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi xét cho cùng âm nhạc là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của một dân tộc.
MAI THƯ