Hướng đến ngày Thế giới phòng chống lao 24.3
Hy vọng mới từ kỹ thuật chẩn đoán Gene Xpert
Lao kháng thuốc đã trở thành vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu. Trong vài năm trở lại đây ngành lao đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, trong đó có thể kể đến kỹ thuật chẩn đoán ứng dụng sinh học phân tử Gene Xpert.
Việt Nam là một trong những nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, hằng năm có hàng ngàn người bị lao kháng thuốc. Việc phát hiện lao kháng thuốc đòi hỏi các kỹ thuật phức tạp và trang thiết bị hiện đại.
Từ năm 2011 trở về trước, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định phải gửi bệnh nhân vào TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm phát hiện lao kháng thuốc. Được sự giúp đỡ của Hội chống lao Hà Lan (KNCV), Bệnh viện đã triển khai dự án TB CARE I và được trang bị một máy xét nghiệm sinh học phân tử hiện đại để phát hiện lao kháng thuốc: máy Gene Xpert 5011.
Phát hiện sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả lao kháng thuốc.
- Trong ảnh: Bệnh nhân lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Ảnh: BÌNH PHƯƠNG
Trước đây, chẩn đoán lao phổi dựa vào xét nghiệm đờm soi trực tiếp đã góp phần rất quan trọng vào việc phát hiện nguồn lây chính. Tuy nhiên, giới hạn của kỹ thuật này là độ nhạy không cao, đã bỏ sót một số lượng đáng kể bệnh nhân không được phát hiện. Thực tế cho thấy sự chậm trễ và bỏ sót này còn nhiều hơn ở những người có HIV và ở trẻ em. Đặc biệt, với bệnh lao đa kháng thuốc, phải nuôi cấy mất nhiều thời gian và sự khó khăn trong vận chuyển mẫu đờm từ các địa phương tới các đơn vị chẩn đoán là một rào cản rất lớn gây nên chậm trễ cho sự phát hiện và chỉ định điều trị bệnh lao đa kháng thuốc, khiến cho nhiều người có thể bị tử vong trước khi được điều trị.
Gene Xpert là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá, có thể giải quyết được các bất cập trên đây, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Thêm vào đó, quy trình thao tác rất đơn giản, kỹ thuật cho kết quả nhanh và là “kết quả kép”, tức là đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít và vi khuẩn có kháng với thuốc Rifampicin (thuốc kháng sinh đặc trị lao) hay không.
Số bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện tăng gần 50%
Trong năm 2013, toàn tỉnh có 47 bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện mới, tăng gần 50% so với năm 2012. 3 động lực chính của công tác phát hiện sớm bệnh nhân lao kháng thuốc là: quy trình phát hiện - quản lý - điều trị được kiện toàn, trang thiết bị phục vụ cho khâu xét nghiệm được cung cấp đầy đủ hơn, bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực của Dự án phối hợp công - tư trong phòng chống lao.
BÌNH PHƯƠNG
Kỹ thuật này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng thực vào tháng 12.2010 và khuyến cáo áp dụng trong công tác phòng chống lao. Bộ Y tế đã phê duyệt quy trình triển khai và yêu cầu cần thực hiện kỹ thuật này một cách hợp lý, sáng tạo, khoa học, rút kinh nghiệm trong điều kiện Việt Nam để có thể triển khai mở rộng trong toàn quốc nhằm phát hiện sớm tất cả các thể lao trong cộng đồng như đường lối chiến lược của Chương trình Chống lao Quốc gia trong giai đoạn mới đã đề ra.
Gene Xpert là một kỹ thuật mang tính đột phá tích hợp của 3 công nghệ (tách gien, nhân gien và nhận biết gien). Tính đến tháng 6.2011, đã có 40 quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh, châu Phi, châu Âu, châu Á bắt đầu triển khai kỹ thuật mới này. Riêng khu vực Tây Thái Bình dương, Gene Xpert đã có ở Campuchia (16 máy), Trung Quốc (16 máy), Philippines (4 máy). Ở Việt Nam, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định là 1 trong 5 cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước có máy Gene Xpert (cùng Bệnh viện Lao Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bệnh viện Phổi Trung ương).
Gene Xpert nên được áp dụng làm xét nghiệm chẩn đoán ban đầu cho những trường hợp nghi mắc lao đa kháng thuốc hoặc lao đồng nhiễm HIV. Tại những nơi tình hình dịch tễ lao đa kháng thuốc hoặc HIV không cao, kỹ thuật này có thể cân nhắc áp dụng cho những trường hợp xét nghiệm đờm trực tiếp âm tính để tăng phát hiện lao phổi AFB (-).
Việc xét nghiệm lao kháng thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh giúp bệnh nhân giảm được rất lớn thời gian, chi phí.
Thạc sĩ CHÂU VĂN TUẤN
(Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh)