Các nhóm nhảy, múa của giới trẻ:
Còn thiếu sân chơi
Sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng ở TP Quy Nhơn những năm qua đã tạo điều kiện hình thành nhiều nhóm múa, nhảy tập hợp các bạn trẻ cùng chung sở thích. Tuy nhiên, việc thiếu những sân chơi phù hợp đã khiến các nhóm gặp khó khăn, hạn chế trong hoạt động.
Thiếu sân chơi
Hiện nay, ở TP Quy Nhơn, ngoài một số nhóm múa khá ổn định về số lượng và chất lượng thành viên do các biên đạo, diễn viên múa ít nhiều được đào tạo dẫn dắt (như Nhật Huy, Xuân Quang, Trà My, Kim Tiễn, Thu Thanh…), nhiều nhóm múa khác chỉ có ít thành viên. Biên đạo trẻ Châu Phương Trà My, phụ trách nhóm múa Rạng Đông, cho biết: “Nhóm được thành lập từ năm 2008, hiện có 34 thành viên là sinh viên, học sinh trên địa bàn TP Quy Nhơn. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt hai lần để cùng nhau trao đổi về tình hình hoạt động, luyện tập cả múa, nhảy hiện đại. Chúng tôi thường tham gia biểu diễn tại các đám cưới, hội nghị và một số chương trình văn nghệ quần chúng”. Hoạt động biểu diễn chính của các nhóm múa khác cũng là phục vụ các sự kiện, chứ chưa có những sân chơi phù hợp để giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Cách đây khoảng 3 năm, có nhiều nhóm nhảy Hip hop ở Quy Nhơn. Khi ấy, nhờ sự linh động tổ chức nhiều hoạt động sự kiện để gầy dựng phong trào của CLB nhảy hiện đại Hoàng Vũ, các nhóm Hip hop ở Quy Nhơn đã có cơ hội giao lưu, học hỏi, thi tài cùng nhiều nhóm Hip hop ở các tỉnh, thành khác. Nhờ vậy, được nhiều người biết đến, mời tham gia biểu diễn tạo không khí sôi động tại các hội nghị, sự kiện của các đơn vị, công ty, cửa hàng. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sự nỗ lực tự tạo sân chơi lành mạnh của các bạn trẻ đã không được duy trì lâu vì thiếu sự “tiếp sức” từ những đơn vị liên quan nên dần suy yếu. Anh Nguyễn Văn Công, thành viên nhóm nhảy New Comer, tâm sự: “Bỏ nhiều công sức để luyện tập Hip hop hằng ngày, nhưng chúng tôi không biết biểu diễn cho ai xem. Phần lớn các nhóm Hip hop ở Quy Nhơn đều đã và đang tan rã như CLB Nhảy hiện đại Hoàng Vũ. Nhóm chúng tôi trước đây quy tụ 30 thành viên, giờ chỉ còn lại 10 người cố gắng duy trì luyện tập nhưng không thường xuyên”.
Định hướng phong trào cho giới trẻ
Theo đánh giá chung của các biên đạo giàu kinh nghiệm thì hầu hết các nhóm múa hiện nay chủ yếu “chạy sô” là chính, chưa chú trọng đầu tư về chuyên môn để dàn dựng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, định hình được phong cách biểu diễn riêng. Điều này xuất phát từ việc chưa có nhiều sân chơi phù hợp (như các liên hoan, hội thi múa không chuyên) để thi tài. Bên cạnh đó, các nhóm cũng cần được “đỡ đầu” để duy trì hoạt động. “Việc CLB múa Rạng Đông gia nhập Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đã giúp chúng tôi có thêm sự hỗ trợ cần thiết về địa điểm tập luyện, được tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, giao lưu… để tiếp cận nhiều hơn với khán giả”, biên đạo Châu Phương Trà My tâm sự.
Phong trào luyện tập nhảy hiện đại là sinh hoạt văn hóa lành mạnh thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Biên đạo Hoàng Việt nhìn nhận: “Nhảy hiện đại đã phát triển song song cùng ca, múa trong phong trào văn nghệ quần chúng, nhất là ở các chương trình văn nghệ học đường. Do đó, cần đưa vào định hướng tổ chức các sân chơi bài bản hơn”. Thời gian gần đây, đã có những thay đổi tích cực khi một số chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn có sự xuất hiện của các nhóm nhảy nhiều hơn. Trong chương trình biểu diễn văn nghệ Tết Dương lịch năm 2013, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã mạnh dạn “thử nghiệm” đưa vào phần lớn thời lượng chương trình gần 10 tiết mục của 4 nhóm nhảy. Các nhóm nhảy tham gia chương trình đã được cán bộ văn hóa góp ý thêm về trang phục, động tác, cách dàn dựng tiết mục phù hợp khi biểu diễn trên sân khấu phục vụ công chúng. Nhờ vậy, chương trình này đã có sự mới mẻ, sôi động và thu hút đông người xem hơn, nhất là khán giả ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Trong kế hoạch năm 2014, Chi hội nghệ sĩ múa Bình Định (thuộc Hội VHNT tỉnh) có đề xuất Hội VHNT tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên tỉnh Bình Định lần thứ I- 2014. Đề xuất này cần được quan tâm thực hiện, để “kích thích” các nhóm múa đầu tư dàn dựng tiết mục tham gia. Qua đó, có thể đánh giá thực trạng và định hướng phát triển phong trào múa không chuyên tốt hơn.
HOÀI THU
mình muốn học nhảy hiphop ở khu vực quy nhơn thì phải làm thế nào vậy