Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ:
Thu hẹp địa bàn là xu thế tất yếu
Theo kế hoạch của Sở Y tế, trong năm 2014, Chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) chỉ được tổ chức tại 26 xã, giảm 23 xã so với năm 2013. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đây là một xu thế tất yếu trong tình hình dân số hiện nay ở tỉnh ta và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, Chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ năm 2014 được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 kết thúc truớc ngày 30.4, đợt 2 kết thúc trước ngày 30.9. Các xã có triển khai Chiến dịch là: Mỹ Châu (Phù Mỹ), Vĩnh An (Tây Sơn), Ân Sơn, Đắk Mang, Bók Tới, Ân Nghĩa (Hoài Ân), Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp (Vân Canh), Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh), An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Hòa, An Trung (An Lão).
* Xin ông cho biết vì sao địa bàn của Chiến dịch bị thu hẹp?
- Trước đây, các đơn vị y tế ở cơ sở chưa phát triển để đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc SKSS-KHHGĐ của người dân. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ còn nhiều hạn chế, do đó, chiến dịch phải được tổ chức ở nhiều địa bàn để cải thiện tình hình này. Hiện nay, trừ một số xã đặc biệt khó khăn, trạm y tế ở các xã còn lại đều đủ điều kiện sẵn sàng cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ đến từng người dân. Theo thời gian, số xã có tổ chức Chiến dịch giảm dần. Đến năm 2013, chỉ còn 49 xã, sang năm nay chỉ dừng lại ở 26 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2012-2015.
Thêm vào đó là một lý do rất quan trọng: kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ trong năm 2014 đã bị cắt giảm 40% so với năm 2013. Từ đó, kinh phí dành cho Chiến dịch cũng bị cắt giảm theo, không thể tổ chức ở nhiều nơi như trước.
* Việc địa bàn tổ chức Chiến dịch bị thu hẹp đáng kể có ảnh hưởng lớn đến hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ nói riêng, công tác DS-KHHGĐ nói chung?
- Sau nhiều năm tổ chức Chiến dịch, số đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai cộng dồn đã tăng đáng kể, số đối tượng chưa thực hiện theo đó cũng giảm dần. Có địa bàn số người tham gia Chiến dịch rất ít, việc tổ chức dàn trải dễ dẫn đến lãng phí. Bên cạnh đó, xu thế chung là các biện pháp tránh thai có xâm lấn như dùng thuốc tiêm, thuốc cấy sẽ được giảm dần. Việc sử dụng thường xuyên (không phụ thuộc vào thời điểm tổ chức Chiến dịch) các biện pháp tránh thai tạm thời như bao cao su, thuốc uống được khuyến khích nhiều hơn. Do đó, hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ không chịu ảnh hưởng lớn từ việc cắt giảm địa bàn lần này.
Hiện nay, tỉ suất sinh trên cả nước đã đạt đến mức sinh thay thế. Tỉ suất sinh không thể giảm quá sâu. Thực tế ở nhiều nước tiên tiến cho thấy, giảm sinh dễ thành công, nhưng kích sinh thì vô cùng khó khăn. Hơn nữa, tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung đã có cơ cấu “dân số vàng”, tình trạng già hóa dân số rất dễ dẫn đến dân số già. Các chỉ tiêu giảm mức sinh cần được điều chỉnh theo tình hình thực tế. Vì thế, việc thu hẹp địa bàn tổ chức Chiến dịch là một xu thế tất yếu.
Mục tiêu của Chiến dịch là đảm bảo thực hiện cơ bản các chỉ tiêu KHHGĐ năm 2014 tại các xã trong thời gian triển khai Chiến dịch (đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch triệt sản, 60% chỉ tiêu kế hoạch đặt dụng cụ tử cung, 60% chỉ tiêu kế hoạch thuốc tiêm, thuốc cấy); đảm bảo 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS-KHHGĐ…
* Trong năm 2013, kết quả gói dịch vụ KHHGĐ của cả 2 đợt Chiến dịch đã cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng cho 3.721 trường hợp, chỉ đạt 53,4% kế hoạch năm. Có tới 6 huyện đạt kết quả thấp, dưới 50%. Đâu là nguyên nhân, và phải làm gì để cải thiện tình hình này, thưa ông?
- Ngày 20.2.2013, liên bộ Tài chính - Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015. Theo quy định tại Thông tư này, đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số sống tại xã đặc biệt khó khăn; xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định; người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày, khi cập bờ và vào các âu thuyền tại các xã ven biển có nhiều người làm việc trên biển. Việc thu hẹp đối tượng thụ hưởng đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu cung cấp các biện pháp tránh thai, nhất là cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng như triệt sản, đặt dụng cụ tử cung...
Để góp phần cải thiện tình hình này, chúng tôi đã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để mua dụng cụ tử cung, cấp cho người có nhu cầu. Họ chỉ phải trả chi phí thuốc, tiền công khi đặt dụng cụ tử cung. Chúng tôi xác định, hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ về lâu dài phải được xã hội hóa, với sự tham gia chủ động và tích cực hơn nữa từ phía người dân.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG
(Thực hiện)