Hát khắp nẻo đường quê
Ở nông thôn hiện nay đang rất thịnh hành “mốt” chơi nhạc sống. “Xôm” nhất là vào các dịp Tết, ngày lễ, khi xóm, thôn tổ chức tất niên, thanh minh xóm… Lắm khi “ghiền” quá, chẳng phải dịp lễ lạt, bà con lối xóm cũng rủ nhau “hợp tác xã”, thuê ban nhạc về đệm để những “ca sĩ miệt vườn” sảng khoái cất cao giọng hát, xua đi mệt nhọc ruộng đồng.
Hoài Ân không phải là cái nôi của những làn điệu dân ca hay “quê hương” của những bài ca đi vào huyền thoại. Nhưng từ lâu, lời ca tiếng hát đã là món ăn tinh thần đặc biệt không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những đêm trăng với tiếng đàn ghi-ta bập bùng của những trai làng, cùng giọng ca lịm ngọt của các cô gái hàng xóm. Có những đêm thâu, sương ướt đẫm vai áo mà vẫn ngồi giữa bãi, giữa đồng ca hát. Làm có của ăn, của để, nhà nhà sắm dàn karaoke. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đặt chân đến quê tôi, bởi bất cứ thời gian nào trong ngày, sáng trưa, chiều tối… đều vang vọng tiếng hát.
Những năm gần đây, chuyện ca hát cũng được “lên đời”. Nhiều người bảo, hát thì phải “máu”. “Máu” ở đây là âm thanh, là ánh sáng và trình độ của nhạc công. Nhạc công Trương Công Định, ở xã Ân Phong, có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, kể: “Dân mình nay sành nhạc quá trời, sơ sẩy chút là bị chê thẳng cẳng; nhiều người hát như ca sĩ thứ thiệt. Vô “độ” là cứ chuyền tay micro mà hát, đệm theo mà đuối luôn”.
Mới rồi, xóm tôi cúng đầu năm, chuyện chiếm nhiều thời gian bàn luận nhất là thuê dàn nhạc nào. Chị Phan Thị Phương, 39 tuổi, người có giọng ca ngọt như nước dừa xiêm, bảo: “Thuê dàn nhạc Ngọc Tiên (Võ Ngọc Tiên, thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh), nhưng phải kêu thằng Diệp chơi trống, nó chơi hay, nhiệt tình; chứ mấy thằng nhỏ mới theo học nghề chơi thì hát không vào”. Cả xóm nhất trí với chị. Sau bữa đó, chị sang nhà bảo tôi lấy từ trên mạng xuống lời bài hát “Trách ai vô tình”, rảnh lúc nào là chị học thuộc lời và luyện giọng. Nhiều người không có thời gian tập bài mới thì tay cầm micro, tay cầm giấy, cứ thế hồn nhiên hát.
“Cái chân đi cũng nhiều, nhưng chưa thấy ở đâu, người dân lại mê cái hát như dân mình. Dàn nhạc được lập nhiều không đếm được ấy mà vẫn cháy hàng. Dịp Tết, ngày 8.3, ngày 20.10… một ngày nhận không biết bao nhiêu cuộc điện thoại đặt hàng. Một xóm 5 nhà, 7 nhà cũng kêu nhạc về chơi. Nhất là dịp 8.3 vừa rồi, có nhóm tổ chức trước cả tuần để thuê nhạc cho dễ. Nhiều nhóm kêu nhạc không được, đình lại để tổ chức sau để có nhạc”, anh Võ Ngọc Tiên hào hứng kể.
Phong trào ca hát ở huyện Hoài Nhơn cũng không hề kém cạnh. Tết đến, sinh viên ở xa, thanh niên làm việc ở TP Hồ Chí Minh, ngư dân nghỉ biển… tất cả tụ về quê. Từng nhóm mươi hai chục người rủ nhau thuê dàn nhạc về liên hoan. Chẳng cầu kỳ, “sân khấu” được dựng ngay ở những bãi cỏ ven sông. Tại xã Tam Quan Nam, thanh niên thôn Cửu Lợi Nam, phụ nữ thôn Tăng Long 1… đều hào hứng gầy nên những cuộc vui để mừng Xuân đón Tết.
Lắng lòng theo tiếng hát
Có một điều dễ nhận ra trong các cuộc “đại nhạc hội” ở quê, đó là nữ ca sĩ thường chiếm đa số. Trước đây, hiếm lắm những giọng ca nữ ngân lên trong các cuộc chơi, nhưng giờ thì ngược lại. Với họ, hát là để thể hiện tình cảm, buồn vui thường nhật. Bà Lê Thị Phượng, 57 tuổi, một giáo viên về hưu ở Ân Thạnh, tâm sự: “Được ca được hát đối với phụ nữ chúng tôi là nhu cầu giải trí, người lớn tuổi mà hát tốt thì càng được cổ vũ nồng nhiệt. Mỗi lần có dịp, tôi ca một bài, được người ta cổ vũ thấy vui lắm. Đợt 8.3 vừa rồi, nhóm tập thể dục buổi sáng của tôi cũng tổ chức một bữa ca hát, thấy người trẻ thêm mấy tuổi ấy chứ”.
Và, còn biết bao người tìm được niềm vui giản đơn từ những chương trình ca hát dân dã. Ông Nguyễn Tấn Lộc, 54 tuổi, cựu thành viên Đội văn công xã Ân Thạnh, từng chiến đấu ở Campuchia, giờ là một ca sĩ tích cực trong phong trào ca hát ở quê, hễ cầm micro lên là hát ngay bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. “Thời chiến tranh hát để át tiếng bom, để chiến đấu. Giờ thì hát cho đời thêm vui, để mình thoải mái tinh thần sau một ngày lao động mệt nhọc”, ông chia sẻ.
Hát để cho vui, nhưng lắm lúc cũng xảy ra sự cố, cuộc vui nhuốm buồn. Anh Nguyễn Hữu Nhất, nhạc công ở xã Ân Nghĩa, kể: “Khoái nhất là phục vụ các chương trình do cánh phụ nữ tổ chức, hát nhiều nhạc nhẹ, điềm đạm. Còn những đám cưới cô dâu, chú rể non choẹt, lắm bạn bè bất hảo, khi men vào thì lao lên giành giật micro hát loạn xạ, lắm khi gây gổ đánh nhau, kẻ vào nhà thương, người vào lao lý… Tháng 10 năm ngoái, có thằng nhóc đỗ đại học, nhà nó thuê cả dàn nhạc về chơi. Mấy anh nhóc hát đã, uống đã rồi gây nhau, đánh nhau. Chủ nhà can, đuổi về, chúng chạy ra ngoài đánh tiếp…”.
Nhưng xôn xao hơn cả là vụ việc xảy ra gần đây ở xã Ân Phong. Một cô vợ có máu nghệ sĩ mê hát hơn mê chồng. Mấy bà hàng xóm tổ chức văn nghệ, cô ả bỏ công việc nhà tụ tập làm mấy bản liền. Hát chưa hết bài hát ruột nên nán lại chờ hát “quận hai”. Anh chồng là dân thợ hồ, chiều chiều hết giờ làm hay lai rai vài xị. Hôm ấy, về nhà thấy hiu quạnh, vợ thì sang hàng xóm líu lo ca hát với mấy anh. Thế là điên lên, kéo đầu vợ về nện một trận. Thách đố thế nào không ai nghe, nhưng một hồi sau thấy cô vợ quớ làng vào cứu. Người ta chạy vào, thấy cô vợ bị chồng tưới xăng lên người đốt, vội đưa đi cấp cứu. Sau đận ấy, hình như các chương trình ca nhạc trong xóm ít nghe giọng ca mùi mẫn của cô…
HOÀI THANH - BÌNH PHƯƠNG