Thực hiện chính sách pháp luật về môi trường:
Vi phạm pháp luật còn phức tạp trên nhiều lĩnh vực
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, phản ánh nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều cái khó, điều đó khiến kết quả công tác bảo vệ môi trường bị hạn chế…
Ô nhiễm trên nhiều lĩnh vực
Gần đây nhất là nạn ô nhiễm bột đá được xả thải từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất đá granite trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn, TP Quy Nhơn), đặc biệt ở KV8. Dọc QL 1A, đoạn qua khu vực này lổn nhổn từng đống bìa, bạnh đá granite (loại phế thải) được các xưởng sản xuất đá thải ra gần sát hai bên đường. Những “núi” bột đá được đổ bừa bãi ở mọi nơi, để rồi khi mưa xuống, toàn bộ bụi đá chảy tràn xuống khu vực nhà dân, ruộng lúa ở phía dưới, hoặc hòa vào các con suối vốn là nước tưới sản xuất của người dân.
Ông Đỗ Tấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, đưa tay chỉ xuống con suối Lò Gạch đùng đục nước trắng vì bột đá lắng cặn từ bao năm qua, nói: “Hễ trời mưa xuống vài giọt là các doanh nghiệp tranh thủ mở cổng xả. Hôm sau đến bò cũng không dám uống nước suối nữa là…”.
Trước đó, vào tháng 2.2014, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, CA tỉnh (PC 49) đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường và Trạm kiểm soát giao thông Tuy Phước (PC 67 ) lập biên bản tạm giữ xe ô tô mang BKS 54T-2689 trên đường vào TP Hồ Chí Minh vận chuyển 9,3 tấn phế liệu, trong đó có 1 tấn là bình ắc - quy chì đã qua sử dụng. Đây là loại chất thải nguy hại nằm trong danh mục cấm.
Trên đây chỉ là vài trường hợp điển hình của tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh xảy ra gần đây. Theo thống kê của tỉnh, hiện có khoảng 70% DN đã đi vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy hầu hết đều đã lập hồ sơ pháp lý về môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định, nhưng vẫn lén lút xả chất thải ra môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Hiện nay, công tác quản lý chất thải nguy hại hiện còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đăng ký nguồn chủ thải nguy hại, chủ yếu là các cơ sở y tế và một số DN có vốn nhà nước, còn các DN tư nhân không quan tâm vì sợ giảm lợi nhuận. Hiện mới chỉ có rác thải y tế được cấp phép cho một đơn vị vận chuyển, những chất thải nguy hại khác thì vẫn chưa.
Phát hiện, xử phạt vi phạm: còn nhiều cái khó
Từ năm 2007 đến nay, Phòng PC 49 đã kiểm tra, xử lý 784 cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật. Qua đó, xử phạt 347 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,37 tỉ đồng; 437 cơ sở được cảnh cáo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã tổ chức 9 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính 18 DN với tổng số tiền trên 161 triệu đồng.
Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về môi trường mới đây, ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở TN - MT, cho biết: Vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra khá phức tạp, phổ biến trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, phương tiện, thiết bị kiểm định môi trường mới chỉ đáp ứng cho công tác trinh sát nắm tình hình chứ chưa thể áp dụng vào việc kiểm tra xử phạt. Hơn nữa việc thiếu các cơ quan giám định cấp tỉnh và cấp khu vực đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, chất lượng công tác điều tra, xử lý vi phạm.
Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thiếu đồng bộ, có sự chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật khác về môi trường. Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “ô nhiễm nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”, gây khó khăn cho việc định tội danh và khung hình phạt. Cho đến nay, Bộ luật Hình sự cũng chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tổ chức trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự khi xâm hại đến môi trường với tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội. Đại diện Phòng PC 49 cũng cho rằng vì vướng quy định hành vi vi phạm không thuộc phạm vi xử lý của công an, dẫn đến bỏ lọt tội phạm trong một số trường hợp.
Đại diện các sở, ngành đã kiến nghị Trung ương cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường theo hướng cụ thể hóa, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; Bộ TN - MT và Bộ Tài chính ban hành phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường ở địa phương; có Thông tư hướng dẫn thế nào là hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...
THU HÀ