Cứ cháy là… gay!
Năm 2013, cả nước xảy ra 2.429 vụ cháy nổ, trong đó đa số là các vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của nhiều người. Riêng ở Bình Định, trong năm 2013 toàn tỉnh đã xảy ra 43 vụ cháy, thiệt hại tài sản lên đến 6,3 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng. Mới đây nhất, vụ cháy chợ Phố Hiến (Hưng Yên) chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, đã gây thiệt hại nhiều chục tỉ đồng, tiếp tục là một cảnh báo về mối hiểm họa này.
Chúng ta đều biết, mỗi khi xảy ra cháy thì thiệt hại là rất lớn, gần như không cứu được. Đặc biệt, khi bước vào mùa khô nóng gay gắt như hiện nay thì càng không thể chủ quan, lơ là với “giặc lửa”. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất, khu dân cư…, công tác phòng, chống cháy nổ vẫn rất chủ quan, tình trạng phòng chống cháy nổ theo kiểu… đối phó khá phổ biến, biểu hiện ở trang bị công cụ, phương tiện chữa cháy rất sơ sài, mang tính chiếu lệ.
Cháy nổ luôn là hiểm họa thường xuyên nên cần nâng cao ý thức cảnh giác theo phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”. Hoạt động phòng cháy, chữa cháy có hiệu quả hay không là ở “thời gian tính” nên cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ lực lượng, phương tiện tại chỗ nhằm can thiệp kịp thời, ngăn chặn cháy lớn, cháy lan. Tại nhiều nơi, tuy đã có hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, nhưng chỉ đến khi có sự cố xảy ra thì các khiếm khuyết như: họng nước cứu hỏa không có nước, bình bọt hư hỏng, lối thoát hiểm bị bịt kín... mới bộc lộ, nên thiệt hại vô cùng lớn.
Vì vậy, ngành chức năng cần duy trì việc kiểm tra thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh, tổ chức tập huấn kỹ năng về an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ như: trung tâm thương mại, nhà cao tầng và các cơ sở kinh doanh có điều kiện…, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra sự cố. Các doanh nghiệp, khu thương mại, khu dân cư và từng hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm xử lý nhanh, đối phó ngay khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở mọi người luôn ý thức cao trong việc đề phòng hỏa hoạn, tuân thủ nghiêm các quy định an toàn phòng, chữa cháy từ cơ sở.
Thực tế từ nhiều vụ cháy đã xảy ra cho thấy, đôi khi chỉ một sơ suất nhỏ cũng đủ gây cháy nổ, biến thành hiểm họa khôn lường. Chỉ sau một mồi lửa, nhiều tài sản có giá trị hay cơ nghiệp tích góp cả một đời tích lũy có thể thành tro bụi.
Hãy luôn nhớ câu “Thủy hỏa đạo tặc”. Bởi vậy, đối với “giặc lửa” công tác phòng ngừa là rất quan trọng, còn một khi đã xảy ra cháy là… rất gay!
HẢI ĐĂNG