Đứa con của biển
* Truyện ngắn của MẪU ĐƠN
1.
Mùa cỏ lau đi qua, hương lúa chín cũng tan theo, xa khuất. Và đã bao nhiêu mùa cỏ lau như vậy, những màu xám bạt ngàn của cỏ lau vẫn làm tôi ngơ ngẩn, bồi hồi… Tôi là con gái của ba má tôi. Là đứa em nhỏ ngốc nghếch của anh tôi. Mái nhà nhỏ của tôi ở một vùng chài ven biển có nắng gió triền miên, có hơi thở lạ của miền Trung yêu dấu. Dân miền biển nhưng cái nắng chói chang chẳng thể làm cho má tôi già đi hay da sạm đen, mà thật lạ, anh em tôi là da đen nhẻm, nhỏ nhẻ, tóc cháy nắng và đôi mắt to tròn luôn đầy nước. Anh thương tôi nhất sau ba và má. Anh hay gọi tôi là bé út, bé út dễ thương của anh. Tiếng “dễ thương” cụt lủn, giọng xứ Nẫu nghe bồn chồn. Tôi là út thương bé bỏng của anh!
Tôi thích bông cỏ lau, cỏ lau xám bay bay theo gió trong những chiều hoang vắng trốn mẹ đi chơi; cỏ lau nâng đỡ cho tôi, va quệt nước mắt tuổi thơ tôi, cùng tôi vẽ nên những ước mơ thuở nhỏ. Như những giọt nắng vàng chanh, tinh khiết, anh và tôi sẽ tròn tròn chứ không như bây giờ, còm nhom và ngố.
2.
Những đêm gió biển lùa vào, tôi và anh Hai không chịu ngủ, trằn trọc, nhớ ba, nhớ con thuyền lúc ba ra khơi. Chếnh choáng. Chếnh choáng. Xa. Lạnh. Những lúc như vậy, má hay ru chúng tôi ngủ bằng cái giọng buồn buồn.
Có khoảng thời gian dài trong năm hai anh em tôi không gặp ba. Đọng lại trong tôi lúc ấy chỉ là những chiều buồn hiu hắt, có khi là gương mặt lèm nhèm nước của anh em tôi… Phải nói là tôi hay khóc, hay khóc đến nỗi mỗi lần tôi khóc anh Hai phải chạy lại ôm tôi thật chặt, xoa nhẹ lưng tôi, những lúc như vậy tôi càng khóc to hơn. Thế là không chỉ là út thương, tôi còn bị gọi là út nhè. Đứt tay tôi cũng khóc, té cũng khóc, má la cũng khóc, anh bực dọc mắng tôi cũng khóc. Tóm lại tôi hay khóc, nhất là những ngày đầu ra biển của ba.
Rồi anh Hai và tôi cũng lần lượt đi học xa nhà. Khi anh tôi học đại học, tôi cũng ra thành phố học cấp ba. Lên đây, tôi bắt đầu viết. Tôi viết về quê, về mẹ tôi với gương mặt hiền hậu và nhân từ, về ba tôi với đôi bàn tay đầy nắng, về anh Hai với vẻ mặt tư lự mỗi lần tôi khóc. Nhưng tôi viết nhiều nhất vẫn về biển, về nơi tôi không nắm rõ dù là con của biển, tôi viết về nỗi miên man khi nghe tiếng biển gọi, khi đặt chân lên cát, khi gió làm tóc bay bay, phả lên gương mặt một vị nồng khó tả.
Tôi là dân biển nhưng chẳng biết bơi. Tôi gần như chẳng biết gì về biển. Tôi chỉ biết những con còng biển nhỏ tội nghiệp mà mỗi buổi chiều rỗi tôi theo anh đi bắt chúng. Nhưng có điều tôi biết, điều tôi cho là kỳ diệu, đó là mặt biển. Mặt biển sóng sánh ánh nắng, lấp lánh mỗi buổi sớm lung linh, đẹp diệu kỳ. Tôi thấy thứ ánh sáng óng ánh ấy làm cho mặt biển tựa như “hồ thiên nga”, một hồ thiên nga trong trí tưởng tượng của tôi. Và cứ thế, tôi sống với gia đình tôi, với biển cả và những ước mơ cùng những bí mật nằm trong cuốn sổ nhỏ có khóa đã giấu kín.
Xóm trọ của tôi, những đứa con của nhiều vùng đất khác nhau. Những câu chuyện lan xa mỗi khi tối về, tôi lại có dịp nói về biển, về biển thật khác với những gì bọn bạn tôi thấy, không là sóng trắng hững hờ, không là nét bình yên thơ mộng, không là gió nhẹ mây cao… Biển của tôi, trong lòng biển, những bí mật kỳ lạ.
3.
Cho đến một ngày…
Tôi biết một sự thật, một sự thật về chính tôi, ẩn sâu với thời gian mà tình cờ tôi phải đối mặt. Lời đồn đại, những câu chuyện ra vào, to nhỏ làm cho tôi mệt mỏi, bứt rứt. Tôi tò mò muốn biết sự thật, rồi tôi tìm đến anh, anh Hai của bé út, hỏi cặn kẽ, dồn dập…
Nhưng anh không nói, anh đã không trả lời những gì tôi hỏi, những gì đáng ra tôi phải biết và được biết từ lâu, đúng rồi, phải biết từ lâu rồi chứ. Tôi khóc. Những giọt nước mắt thấm đẫm vai áo anh, nghẹn ngào và đau xót. Và tôi tự hỏi bản thân, hỏi lòng mình và đôi khi nhìn vào cái dáng vẻ vô tâm của biển kia mà hỏi: Tôi là ai và từ đâu tới? Sao tôi giống biển đến thế, nhiều tình cảm dạt dào nhưng đôi khi bí ẩn và đắng cay. Hãy để cho tôi vô tình lờ đi những sự thật mà tôi không hề muốn biết. Tôi muốn là quà tặng thực sự của cuộc sống dành cho những người tôi yêu thương.
Anh khóc. Đã lâu từ khi đi học xa nhà, lần đầu tiên tôi nghe tiếng anh nấc, tôi nghe hơi thở của anh đứt quãng. Dù được che chở và bao bọc, nhưng giờ đây tâm hồn tôi đang trống trơn và rối rắm, bao nhiêu thứ đang đổ ập trong suy nghĩ, vô tận… tôi mơ hồ nghe thấy tiếng của anh trong tiếng lao xao của cỏ lau: em gái bé bỏng của anh.
4.
Tôi trốn anh và má để thì thầm trước biển, những lời mà trái tim giữ kín, những tâm sự chưa được giãi bày. Tôi nhớ ánh mắt anh nhìn tôi. Ánh mắt buồn nhìn thật lâu và câu chuyện của anh về những cây bồ công anh bé nhỏ: “Những cây bồ công anh xinh đẹp. Bồ công anh giống như một loài cây phiêu du, đánh cược vận mệnh và số phận của mình cho làn gió, và thêm một ít nữa, ý nguyện của trời. Em có biết không? Cô em bé nhỏ. Và em là một cây bồ công anh xinh xắn, may mắn vì được bao bọc trong tình yêu thương. Em nên hiểu, cần phải chấp nhận, dù khi biết những điều đó em sẽ tổn thương biết bao…”. Sóng đánh ập vào bờ cát, lời thì thầm bật ra thành giọt nước mắt nối tiếp lăn rơi. Là vậy thôi, một đứa con trong gia đình, không cần bận tâm gì, đơn giản chỉ vì đã quen tiếng gọi má, quen tiếng gọi ba, tiếng anh Hai thân thương, cuộc sống của một làng chài ven biển. Tất cả chỉ có thế!
5.
Lững thững tôi đi, lòng còn gợn chút băn khoăn, chông chênh như biển. Trời cũng đã sáng, những tia nắng đầu tiên rực rỡ, tôi đọc được vẻ đẹp đó trong cái nheo nheo mắt của má, người đã đợi tôi suốt đêm qua. Má dịu dàng nói: “Vào nhà đi, con… Ba con mới về rồi”.
Tôi thấy ấm áp, ấm áp vô cùng, không chỉ là giọt nước mắt nóng bỏng trên bờ mi, mà còn là cái ôm ấp của ba, vỗ về tôi như ngày tôi còn bé. Vậy là ba cũng đã về, đã ở nhà với tôi sau những chuyến ra khơi, lênh đênh trên biển cả.
Mặc dù sau đó có khi tôi lại khóc thút thít nhớ ba, nhớ má và anh, lại bắt đầu viết những câu chuyện còn dang dở, nhưng điều làm tôi hạnh phúc nhất là tôi đã có được một gia đình rất tuyệt vời, ngay cả khi tôi chỉ là một cây bồ công anh, nhưng là cây bồ công anh xinh đẹp. Anh Hai đã nói vậy mà, anh Hai nhỉ.
Bây giờ tôi mới chợt hiểu tại sao mình lại yêu cỏ lau và biển nhiều đến thế, cả loài bồ công anh, loài cây bé nhỏ. Bởi đơn giản ở đó tôi tìm thấy mình, thấy quê hương xứ sở và gia đình yêu dấu. “Tôi là con gái của ba má tôi, là đứa em nhỏ ngốc nghếch của anh tôi, là con của biển… mãi mãi là như vậy”.
M.Đ