Giữ gìn vốn quý cồng chiêng, hát múa ở Vĩnh Thạnh
Tạo lực lượng nghệ nhân trẻ, nòng cốt kế cận là một trong những mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của huyện Vĩnh Thạnh trong những năm gần đây.
Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng trong thời gian qua, ngành VH-TT huyện Vĩnh Thạnh luôn chủ động đưa các hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc về với các làng đồng bào dân tộc thiểu số để thế hệ trẻ dần tiếp cận, hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Đặc biệt, các lớp dạy nhạc cụ, đánh cồng chiêng, hát dân ca thường xuyên được tổ chức ở các làng theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Người dạy là những nghệ nhân tiêu biểu của làng.
Đơn cử như tại làng Kon Tơlơk, xã Vĩnh Thịnh, phong trào dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ được làng đặc biệt quan tâm. Với mục tiêu truyền dạy cho thế hệ trẻ biết được cách chế tác những nhạc cụ truyền thống đơn giản đến việc học đánh những bài cồng chiêng, hát những bài dân ca Bana quen thuộc, thời gian qua, ông Đinh Kim- một nghệ nhân cao tuổi trong làng - đã miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ. Theo ông Đinh Kim, việc dạy không chạy theo số lượng mà làm thế nào học một bài, chắc một bài; xong bài cũ mới tập sang bài mới. Kèm với đó, câu lạc bộ cồng chiêng của làng đã được thành lập, duy trì hoạt động, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa cho lớp trẻ trong làng.
Tại Trường PTDTNT huyện Vĩnh Thạnh, nhà trường đã tiến hành đưa các nội dung dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, đánh cồng chiêng, hát dân ca, múa xoang vào chương trình giảng dạy; mời nghệ nhân giỏi trong các làng đến trường trực tiếp hướng dẫn cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Cùng với đó, vào các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường tổ chức các hội thi đánh cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm... giúp các em học sinh tiếp cận với nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Ông Từ Kim Lân, Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Được nghệ nhân chỉ dạy tận tình, nhiều học sinh đã có thể đánh được nhiều bài chiêng hay và hiện trường đã thành lập một đội chiêng thường xuyên hoạt động, tự tin biểu diễn khi có hoạt động văn nghệ. Ngoài việc mời nghệ nhân các làng đến tổ chức lớp học, nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc vào trong bài giảng. Trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, trường luôn vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh tập luyện, biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc mình, phát huy năng khiếu bản thân. Đây cũng sẽ là những “hạt nhân” quan trọng trong việc kế thừa, bảo tồn, phát huy những làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Theo ông Đinh Y Oai, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay toàn huyện có 83 bộ cồng chiêng, bình quân mỗi làng có 3 bộ. Đến nay, phần lớn các làng đều đã thành lập được câu lạc bộ cồng chiêng và đội văn nghệ để biểu diễn trong các ngày hội làng. Trong số này, có nhiều làng thành lập từ 2 đến 3 đội cồng chiêng và múa xoang với nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhiều làng thành lập được các đội múa xoang và đánh cồng chiêng với sự tham gia của các thanh thiếu niên, học sinh. Đây là cơ sở để tạo ra một lực lượng nghệ nhân trẻ, nòng cốt, kế cận lớp nghệ nhân cha ông trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Thông qua đó, môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống được khôi phục, kết hợp với các hoạt động văn hóa hiện đại để các nghệ nhân và lớp trẻ có điều kiện hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của các dân tộc. Các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy cũng sẽ góp phần đắc lực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc cũng như phục vụ phát triển du lịch.
XUÂN DŨNG