Báo động tình trạng mất tượng Phật cổ
Hàng loạt vụ mất trộm tượng Phật cổ xảy ra tại nhiều ngôi chùa trong tỉnh đang rung hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thất thoát các hiện vật Phật giáo có giá trị.
Nhiều chùa bị mất tượng Phật
Khoảng 12 giờ trưa ngày 19.11 (âm lịch) năm Nhâm Thìn, trở về chùa Diêu Phong (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) sau vài giờ cúng cầu an cho một gia đình ở địa phương, trụ trì Đồng Hùng giật mình khi cửa chánh điện - lúc đi đã được khóa cẩn thận - chỉ khép hờ. Kiểm tra thì thấy 3 bức tượng bằng đồng trên bệ thờ, gồm: tượng Thích Ca (cao 60cm, nặng trên 30kg), tượng Quan Âm (cao 25cm, nặng 5kg) và tượng Di Lặc (cao 20cm, nặng 5kg) đã không cánh mà bay.
“Theo lời các vị trụ trì tiền nhiệm, 3 bức tượng này có niên đại khoảng 200 năm. Đây vốn là đồ thờ tự cổ nhất mà nhà chùa có, từ thời Diêu Phong còn là ngôi chùa nhỏ trên núi Hòn Giồ và được thỉnh rước về khi chùa xây dựng lại. Nhà chùa đã trình báo với Công an huyện Tuy Phước và đang nóng lòng đợi kết quả điều tra”, trụ trì Đồng Hùng cho biết. Hiện trên bệ thờ gian chánh điện còn lưu lại vết xước được cho là do kẻ gian cố bê, kéo tượng đồng Quan Âm nặng trên 30kg xuống; cạnh đó, tủ kính nơi đặt tượng Di Lặc cũng còn dấu bị đập vỡ.
Không dừng lại ở việc đột nhập vào chùa lúc vắng người, vụ trộm tượng Phật ở chùa Long Hoa (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Trụ trì chùa Thích Quảng Dũng kể: “3 giờ sáng mồng 9 tháng Giêng năm nay, tôi thức dậy tụng kinh, 3 pho tượng đồng Quan Thế Âm vẫn an vị trên bệ thờ. Chùa Long Hoa là nơi đặt trụ sở của Ban Trị sự Phật giáo huyện, vì vậy như thông lệ mỗi tháng, sáng đó Ban Trị sự tổ chức họp. Sau cuộc họp, nhà chùa đón một nhóm khách quen từ Quy Nhơn ra thăm, thắp hương, vãn cảnh. Đích thân tôi tiễn khách, sau đó vào ăn cơm, nghỉ trưa. Đến 14 giờ 15 phút cùng ngày, nhà chùa phát hiện 3 bức tượng đã bị mất từ lúc nào”.
Lần theo thông tin, được biết danh sách các chùa bị mất tượng Phật cổ nhiều một cách bất thường và đáng lo ngại. Mới đây chùa Hưng Long (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) mất một tượng Phật bằng gỗ 300 năm tuổi. Tháng 9.2011, chùa Hội Khánh (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) mất trộm một tượng đồng Phật Thích Ca, nặng hơn 50kg. Đặc biệt, tại huyện Phù Cát, nhiều ngôi chùa lâm vào cảnh bất an vì bị cuỗm sạch những bức tượng Phật quý giá nhất, như chùa Phước Hải (xã Cát Minh), Khánh Sơn (xã Cát Khánh), Long Hòa (xã Cát Tân), Viêng Quang (xã Cát Trinh), Thiên Ân (xã Cát Chánh)…
Ngay sau khi các vụ mất trộm xảy ra, nhiều chùa trình báo với công an huyện, xã. “Rất mong các cơ quan chức năng dốc sức, sớm tìm ra thủ phạm, trả lại chốn thanh tịnh cho chùa và làm an lòng phật tử. Nếu tình trạng này kéo dài thì chẳng bao lâu nữa, tượng Phật có giá trị về mặt niên đại và nghệ thuật điêu khắc ở các chùa sẽ không còn bao nhiêu”, trụ trì Đồng Hùng lo lắng.
Báo động nạn mất trộm cổ vật Phật giáo
Chùa Long Hoa có tất cả 17 tượng thờ, đều được nhũ vàng hoặc sơn màu để bảo vệ nhóm tượng cổ, quý. Nhưng, bọn đạo chích vẫn chỉ nhắm vào 3 bức tượng cổ. “Trong số 3 pho tượng bị mất, 1 tượng có đài sen bằng đồng, cũng bị kẻ gian mang đi, 2 đài sen kia bằng gỗ (tất cả đều được nhũ vàng) vẫn còn; chứng tỏ kẻ gian rất rành về tượng cổ”, đại đức Thích Quảng Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo huyện Phù Cát khẳng định. Ở chùa Diêu Phong, để lấp chỗ trống 3 bức tượng đồng quý bị mất, nhà chùa đành mua các tượng bằng sứ về thờ tự. “Trước đó, lo lắng vì nhiều chùa trong tỉnh bị mất tượng Phật, một đạo hữu đến thăm đã khuyên tôi nên cảnh giác, giấu 3 bức tượng cổ ấy đi. Nhưng nghĩ phòng người ngay chứ sao tránh được kẻ gian; hơn nữa, nhà chùa có tượng quý, bổn đạo nên cung kính an vị và thờ tự, chiêm bái hơn là cất giấu”, trụ trì Đồng Hùng cho biết.
Tương tự, ở chùa Phước Hải, sau vụ việc mất 3 pho tượng quý bằng đồng (tượng Phật Thích Ca, tượng Ca Diếp và tượng Hộ pháp Kim Cang) mùa hè năm 2012, trụ trì Thích Nhuận Tài đã mua các tượng sứ về thay thế. Tuy vậy, với ngôi cổ tự ra đời từ năm 1741 này, đây là tổn thất tâm linh không gì bù đắp nổi. “Các tượng bằng chất liệu đồng thường có màu vàng đồng, riêng 3 pho tượng của chùa lại lên màu đen mun rất lạ nên được đồn đãi là đồng đen. Bên cạnh đó, tượng có đường nét, thần thái rất đẹp. Không biết đích xác chất liệu, giá trị vật chất lớn đến đâu nhưng để bảo vệ 3 bảo tượng có giá trị về mặt niên đại này, các đời sư phụ đã cho nhũ vàng tượng, tránh sự dòm ngó của giới săn tìm đồ cổ. Thế mà…”, trụ trì Thích Nhuận Tài xót xa.
Nếu tính từ mốc tháng 11.2010 gắn với vụ mất trộm khối tượng đồng tạo hình đức Địa Tạng Bồ Tát ngồi trên sư tử tại Tổ đình Long Khánh (TP Quy Nhơn), đến nay đã có thêm hàng loạt ngôi chùa bị mất trộm. Đối tượng chỉ nhằm vào tượng Phật, chủ yếu bằng chất liệu đồng, gỗ, có giá trị tương đối lớn về niên đại. Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đây là sự bất thường, cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan điều tra. “Từ năm 1987-1990, ngành văn hóa thực hiện tổng kiểm kê hiện vật, di tích trên toàn tỉnh, trong đó có hệ thống đình, chùa, song chủ yếu ở các ngôi chùa lớn. Sắc phong, tượng Phật, các đồ thờ tự… là những tài sản có giá trị về lịch sử, văn hóa và tinh thần. Giáo hội Phật giáo tỉnh nên thống kê, đánh giá để bảo vệ những hiện vật có giá trị, tránh nguy cơ thất thoát đáng tiếc”, tiến sĩ Đinh Bá Hòa đưa ra ý kiến.
SAO LY