Giữ mãi tiếng đàn Pơ-ren
Đồng bào Bana ở Hoài Ân đã và đang cố gắng lưu giữ và phát triển nhiều loại nhạc cụ dân tộc làm bằng tre nứa, phục vụ đời sống tinh thần của dân làng. Trong số đó đáng chú ý có cây đàn pơ-ren.
Cây đàn pơ-ren có cấu tạo rất đơn giản, gồm một ống nứa dài khoảng 50cm, đường kính 5cm, một đầu gắn một vỏ bầu khô cắt phân nửa, khoét rỗng thân có đường kính 15-20cm, đầu còn lại khoét lỗ gắn 12 chốt cây để căng dây đàn. Theo các già làng, dây đàn từ chỗ được chuốt từ cật của cây giang, sau này thường sử dụng dây kẽm thuận lợi hơn và cho âm thanh trong trẻo hơn.
Các già làng cũng cho biết, để có một cây đàn cho tiếng hay, người làm đàn phải chọn cây nứa già có thân thẳng, mỏng; vỏ bầu già, tròn đều, việc đục khoét rỗng thân quả bầu không khuyết vào vỏ bầu; có vậy cộng hưởng âm từ quả bầu và cây nứa thân đàn mới tốt được. Đánh loại đàn này không khó, đứng hoặc ngồi đều được, chỉ cần ôm đàn vào lòng, hai tay cầm thân đàn, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ để gảy. Tuy nhiên, để đánh được theo nhịp phách bài bản thì cần có sự chăm chỉ và ham thích.
Bok Đinh Dăng, ở làng O10, xã Đak Mang, cho biết, đàn pơ-ren thường được dùng trong sinh hoạt giao duyên của những chàng trai cô gái, dùng đệm cho những buổi kể khan, hát hơ-moan. Ngày nay, đàn được sử dụng rộng rãi hơn, có thể độc tấu, đệm cùng với đàn pơ-lơn-khơn, dàn cồng chiêng và các loại nhạc cụ khác.
Trước đây, trai tráng trong các làng Bana thường làm cây đàn pơ-ren, như muốn tỏ rõ biệt tài và cá tính riêng. Ngày nay, số người biết làm và đánh loại đàn này càng ít dần. Theo Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, tại thời điểm năm 2010, ở Đak Mang có khoảng 10 người, xã Bok Tới có 12 người, xã Ân Sơn có 5 người biết chơi pơ-ren. Theo ông Đinh Bá Sĩ, ở Bok Tới, nguyên nhân là lớp trẻ có nhiều cái để vui, để thích, cây đàn truyền thống không hấp dẫn như cây đàn guitar.
Còn anh Đinh Văn Thắng, ở làng O11, xã Đak Mang, tâm sự: “Lợi thế của đàn pơ-ren là dùng được mọi lúc mọi nơi. Việc làm và sử dụng cây đàn pơ-ren trong dân làng tuy không còn nhiều, nhưng hầu như làng nào cũng có. Đa số lớp trẻ không muốn học nó, vì không đam mê. Số người biết, am hiểu kỹ về đàn này không nhiều và không có điều kiện để chỉ dạy”.
Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, ngành văn hóa huyện Hoài Ân đã khuyến khích các nghệ nhân, các già làng bỏ công sưu tầm, phổ biến các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian ở các xã. Đặc biệt, năm 2010, tại Lễ hội Văn hóa - thể thao các dân tộc 3 xã vùng cao của huyện, Trung tâm VH-TT-TT huyện đã quy định môn thi văn nghệ quần chúng là độc tấu nhạc cụ và hát dân ca. Trong chương trình Lễ hội Văn hóa - thể thao năm nay, cũng có quy định các đội phải sưu tầm, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, tiết mục hòa tấu phải có ít nhất 5 loại nhạc cụ như: dàn cồng chiêng, trống pơ-nưng, đàn pơ-lơn-khơn, đàn pơ-ren, sáo pơ-lía...
VÕ CHÍ HÀ