Tai nạn đuối nước và những khiếm khuyết cần khắc phục
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 10 vụ đuối nước, đa phần là do tắm biển. Nguyên nhân chủ yếu là do người tắm chủ quan, lơ là việc phòng hộ; bên cạnh đó công tác phòng ngừa và việc huấn luyện các kỹ năng sơ, cấp cứu thông dụng còn nhiều “lỗ hổng”.
Thực trạng đáng lo ngại
Tỉnh ta có bờ biển dài với nhiều thắng cảnh, bãi tắm đẹp nên các địa điểm du lịch thu hút du khách ngày càng đông. Tuy nhiên, hầu hết các điểm du lịch kể trên chỉ mang tính tự phát, chưa có đơn vị tổ chức, quản lý nên hoàn toàn không có thiết bị cứu hộ, cứu nạn như phao cứu sinh, áo phao; không có các đội cứu hộ, cứu nạn; các biển cảnh báo nước xoáy, ngày nước lên xuống, độ sâu, vùng xoáy, đá ngầm, phạm vi tắm đến quy định giờ tắm… cũng không có. Do vậy, việc xảy ra những tai nạn đáng tiếc là khó tránh khỏi.
Đơn cử vụ tai nạn xảy ra lúc 15 giờ ngày 3.2, anh Hồ Văn Xuân (SN 1992, trú thôn Chánh Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) cùng một số bạn đến bãi biển Tân Thành, xã Mỹ Thọ chơi. Tại đây, anh Xuân xuống biển tắm còn các bạn ở trên bờ. Một lúc sau, anh Xuân đã bị nước cuốn trôi. Mặc dù gia đình và chính quyền địa phương nỗ lực tìm kiếm nhưng đến hơn 3 ngày sau mới tìm được thi thể anh Xuân. Bãi biển Tân Thành có đầy đủ tất cả những cái thiếu vừa kể ở trên.
Thế nhưng không phải hễ có đội cứu hộ là mọi việc sẽ chắc chắn an toàn. Bãi biển Quy Nhơn là nơi duy nhất ở tỉnh ta có đội cứu hộ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, công tác cứu nạn, cứu hộ vẫn còn nhiều khó khăn, khi ý thức của người tắm biển chưa được nâng cao. Hơn nữa, lực lượng đội cứu hộ còn mỏng so với lượng người tắm biển ngày càng gia tăng, khiến việc quản lý, giám sát của đội gặp không ít trở ngại. Đơn cử như trường hợp người tắm biển bơi ra xa, thành viên đội cứu hộ liên tục dùng loa gọi vào bờ nhưng không ít du khách vẫn phớt lờ không thực hiện, hoặc cứ ngỡ là không phải gọi mình.
Nhiều khiếm khuyết nên thừa nhận và khắc phục
Đó là nhận định của ông Hà Văn Cát - Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh khi trao đổi với PV Báo Bình Định về nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng các vụ đuối nước trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây.
Theo ông Cát, lâu nay nhiều đơn vị cơ sở như trường học đến các cấp hội, đoàn thể, hay các cơ quan, đơn vị hành chính, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh… chưa thật xem trọng việc đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu, cứu nạn cứu hộ. Công tác tuyên truyền, vận động về phòng tránh thảm họa thiên tai đến kỹ năng bơi lội lại được tổ chức theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên không hiệu quả. Vì vậy, đến khi sự cố xảy ra thì chỉ biết hô hoán hoặc “đứng nhìn”… dẫn đến nhiều cái chết đau lòng.
“Thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác vận động, tuyên truyền cảnh báo tại những vùng nước kém an toàn, chính quyền nơi có bãi biển nên thành lập đội ngũ hướng dẫn viên về công tác giảm trừ thảm họa ở cơ sở và mở các lớp tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng bơi lội. Qua đó, chúng ta tạo tâm lý tự tin trong xử lý tình huống cho mọi người khi không may gặp sự cố tai nạn đuối nước xảy ra”, ông Cát đề xuất.
Ngoài ra, để chủ động phòng tránh những tai nạn đuối nước xảy ra, ngành chức năng cần rà soát, kiểm tra, quy hoạch lại các khu sinh thái bãi biển- nơi du khách thường hay đến bằng những việc làm cụ thể, như: Đặt biển cảnh báo vùng nước xoáy, ngày nước lên xuống, độ sâu, phạm vi tắm…
TRỌNG LỢI