KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THỂ THAO VIỆT NAM:
Thể thao Bình Định - chặng đường nhiều dấu ấn
Hôm nay (27.3) là kỷ niệm 68 năm ngày Thể thao Việt Nam (27.3.1946 - 27.3.2014). Trong đó, thể thao Bình Định cũng đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chung, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Trưởng thành từ gian khó
Tháng 10.1975, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. Tháng 11.1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Nghĩa Bình ra Quyết định thành lập Phòng TDTT, gồm hai cán bộ lãnh đạo và 6 cán bộ chuyên môn. Ngày 30.4.1976, tỉnh ra quyết định thành lập Trường Cán bộ TDTT trực thuộc Phòng TDTT tỉnh (đến năm 1982 đổi tên thành Trường Năng khiếu TDTT). Sau khi được thành lập, trường đã phối hợp với Trường Giáo dục Nghĩa Bình chiêu sinh đào tạo giáo viên TDTT giảng dạy môn thể dục trong các trường dạy nghề, trường THPT, THCS của tỉnh.
Ngày 26.11.1976, Ủy ban tỉnh ra Quyết định số 961-QĐ/UB về việc chuyển Phòng TDTT thành Ty TDTT (đến tháng 6.1979 đổi thành Sở TDTT). Việc thành lập Phòng TDTT tại các huyện, thị xã trong tỉnh cũng được tiến hành đồng loạt. Song song với kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển phong trào quần chúng, ngành TDTT đã bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động TDTT.
Phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân ngày càng phát triển sâu rộng.
- Trong ảnh: Các VĐV tham gia giải việt dã do Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức.
Những kết quả đáng ghi nhận
Phong trào TDTT từ chỗ còn mang tính tự phát, đến nay toàn tỉnh đã có các tổ chức xã hội cùng đồng hành với Sở VH-TT&DL như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Võ thuật, Hội võ cổ truyền, Hội cờ tướng, cùng quản lý và tham gia điều hành trên 600 CLB TDTT đang hoạt động; mỗi năm tổ chức trên 1.000 giải thể thao, hội thao từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào TDTT quần chúng được tổ chức sôi nổi trong các ngày lễ, ngày Tết, ở vùng sâu vùng xa; số người tập TDTT không ngừng tăng lên. Tính đến nay, số người tập TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 30,4%; số gia đình thể thao đạt 19,6% số hộ; TDTT cơ sở có 610 CLB, tăng 40 CLB so với năm 2012.
Trong hoạt động thể thao thành tích cao, các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được phát huy như: võ thuật, điền kinh, cờ, bóng đá, bóng bàn… Năm 2013, Bình Định đã cử trên 460 VĐV thuộc các đội tuyển tham gia thi đấu 52 giải trẻ và giải quốc gia, quốc tế đoạt 163 huy chương các loại, trong đó có: 57 HCV, 50 HCB và 56 HCĐ. Đặc biệt, là thành tích 4 HCV của kỳ thủ Nguyễn Thị Thúy Triên thuộc đội tuyển cờ Bình Định tại Giải cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á tại Chiang Mai (Thái Lan) và 1 HCĐ cờ vua lứa tuổi U18 Giải trẻ thế giới.
Qua 39 năm nỗ lực phấn đấu, ngành TDTT Bình Định đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà: tổ chức thành công 6 kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh, 4 kỳ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Trên đấu trường thế giới và khu vực, nhiều VĐV Bình Định góp phần cùng các tuyển thủ quốc gia đem vinh quang về cho Tổ quốc… Với những cống hiến đó, ngành đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, đặc biệt, vừa qua Sở VH-TT&DL vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; hàng trăm lượt đơn vị, cá nhân đã được tặng thưởng huân chương và nhiều danh hiệu vinh dự của Nhà nước. Năm 2008, tỉnh đã thực hiện hợp nhất các Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Du lịch và một bộ phận của Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em thành Sở VH-TT&DL. 6 năm hợp nhất là 6 năm Sở VH-TT&DL được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ VH-TT&DL.
TRUNG THẾ