Kết thúc Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 - tỉnh Bình Định:
Hy vọng ở UPU cấp quốc gia
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 - 2014 trong tỉnh đã khép lại, những giải thưởng cao đã được trao cho tác giả của những bài viết tốt nhất. Các bài thi này được hy vọng sẽ có giải ở cuộc thi UPU 2014 cấp quốc gia.
Chủ đề Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 là “Hãy viết một bức thư để diễn tả âm nhạc có thể lay động tới cuộc sống”.
Chủ đề rộng, khó; thể hiện sáng tạo, xúc động
Đây là chủ đề khá gần gũi nhưng cũng khá rộng, theo hướng mở, kích thích tư duy sáng tạo, đòi hỏi thí sinh phải có sự đầu tư tìm hiểu cùng trải nghiệm thực tế và phân tích thuyết phục. Đáng mừng là với đề thi UPU “dễ mà khó” này, nhiều tác giả đã có những bài viết thật chân thực, xúc động, cho thấy cảm nhận và lý giải thấu đáo về vai trò của bộ môn nghệ thuật gần gũi, phổ biến bậc nhất trong đời sống: âm nhạc.
Trong bức thư UPU của mình, em Lê Anh Thư, lớp 9A2, Trường THCS Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân (đoạt giải Nhì) đã chọn cách hóa thân làm thần chiến tranh, gửi thư đến “địch thủ tôn kính” là nhân vật cổ tích Thạch Sanh. Trong cuộc chiến không cân sức giữa thế lực hủy diệt khủng khiếp với chàng trai hiền lành cầm trên tay cây đàn nhỏ, thần chiến tranh đã phải đầu hàng trước sức cảm hóa kỳ diệu của âm nhạc.
“Khi nghe tiếng đàn của Ngài cất lên Đàn kêu tích tịch, tình tang, tôi đã cười nghiêng ngả đến nỗi suýt bị sặc. Làm sao cây đàn mỏng manh, tiếng phát ra như tiếng kêu của loài ve, loài dế lại có thể đối đầu với giáo gươm sắt thép? Nhưng tôi đã lầm to! Tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, lúc thánh thót lúc du dương khiến tôi không thể không chú ý. Tôi bỗng nhớ da diết quê hương, nhớ mẹ tôi đang ngày đêm trông ngóng tôi trở về sum họp. Tiếng đàn như ai oán, nức nở kể về nỗi khổ đau do cuộc chiến gây ra. Đàn khuyên hãy đem yêu thương thay cho lòng thù hận. Binh lính lúc đầu mặt đằng đằng sát khí, chỉ chờ lệnh là sẵn sàng chém giết, nghe đàn như bừng tỉnh sau cơn mê muội”.
Bên cạnh những hóa thân, tưởng tượng đầy sáng tạo như làm thần chiến tranh, nốt nhạc..., UPU cấp tỉnh năm nay còn có sự góp mặt của một vài bức thư hết sức gần gũi, chân thực, được viết nên từ chính trải nghiệm của tác giả. Điển hình là bức thư đoạt giải Nhất của tác giả Nguyễn Cao Huy Nghĩa, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Quang Trung, huyện Tây Sơn. “Hai năm trước, An nhỉ? Tớ bỗng có một người bạn hàng xóm kỳ lạ, người Hà Nội và mang một căn bệnh cũng lạ kỳ: tự kỷ. Cậu ít nói, thậm chí là không nói! Cậu chỉ quanh quẩn trong nhà, mặc cho tớ chèo kéo, mời gọi hết lời. Gần một tháng trôi qua mà không tiến triển được gì, tớ, với chiêu bài cuối cùng - quyết tâm kết bạn với cậu. Trưa hôm đó, ăn cơm xong, tớ chạy tót qua nhà cậu, không quên cầm theo cái máy nghe nhạc, lao lên gác, chui tọt vào phòng mà không cần sự cho phép của chủ nhân. Cậu giật mình và không chờ cậu phản ứng, tớ đút luôn cái tai nghe vào tai cậu và bật nhạc: “Hà Nội mùa ký ức”- bài hát tớ cực thích. Thật ngạc nhiên là cậu không tống cổ tớ ra khỏi phòng, chỉ im lặng và lắng nghe. Và cậu cười…”.
Mở ra hy vọng
Giải Nhất UPU cấp tỉnh, sau 3 năm liên tiếp (2011, 2012 và 2013) đều thuộc về Trường THCS Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, đến năm nay đã đổi chủ, học sinh của Trường THPT Quang Trung, huyện Tây Sơn đã “soán ngôi”. Từ 9.764 bài dự thi, trong đó 22 bài đoạt giải, Ban tổ chức chọn ra 7 bài (1 Nhất, 2 Nhì, 3 Ba và bài của thí sinh nhỏ tuổi nhất) gửi dự thi cấp quốc gia.
Theo ông Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 - tỉnh Bình Định, mặc dù chủ đề năm nay rộng hơn, yêu cầu sự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, tuy nhiên qua bài viết, nhiều thí sinh đã chứng tỏ sự đầu tư, tìm hiểu, chắt lọc thông tin về vai trò quan trọng của âm nhạc đối với đời sống con người.
So với các năm trước, những bài đoạt giải cao năm nay có chất lượng nổi trội hơn, đặc biệt là bài giải Nhất. Bài viết không có sự hóa thân hay tưởng tượng phong phú; người tác giả chọn gửi thư không phải là nhân vật nổi tiếng mà là một người bạn của mình; thư không đặt ra kỳ vọng lớn lao - những cách khai thác, thể hiện thường thấy ở những bức thư UPU đoạt giải - song trên tất cả, bức thư toát lên vẻ đẹp của tính chân thực, của tình bạn, tình người ấm áp, đẹp đẽ. Văn phong trong sáng, giản dị và rất phù hợp với lứa tuổi. Cách thể hiện lôi cuốn và tinh tế. Ngoài việc kể câu chuyện nhỏ xúc động về tình bạn mà âm nhạc là chiếc cầu nối, bức thư mang đến một cách “định nghĩa”, cảm nhận rất riêng của tác giả về âm nhạc, xuất phát từ một tư duy độc lập, sáng tạo và một tâm hồn nhạy cảm.
Đã từ nhiều năm, thí sinh Bình Định chưa có “duyên” với cuộc thi này ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, giải cao nhất mà thí sinh tỉnh ta đạt được là Khuyến khích cấp quốc gia của em Ngô Trúc Quỳnh, học sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân (tại UPU lần thứ 40 - năm 2011, chủ đề bảo vệ rừng). Vì vậy, chinh phục UPU, ghi tên Bình Định vào bảng thành tích UPU ở cấp cao hơn đang là niềm mong mỏi của rất nhiều người!
SAO LY