Tình trạng sinh con tại nhà ở Vân Canh:
Những hiểm họa khó lường
Ít ai có thể tin rằng, hiện nay, vẫn còn những người “dạn gan” sinh con tại nhà. Nhưng ở huyện miền núi Vân Canh điều đó không hiếm.
Có thai lần đầu, Mai Thị Trúc, người dân tộc Chăm, ở làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp, không một lần khám thai trong suốt thai kỳ. Đến tháng thứ 8, trong lần duy nhất đến Trạm Y tế xã Canh Hiệp, người mẹ 17 tuổi ấy được tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa uốn ván. Ngày 25.3.2013, Trúc ở nhà một mình và đau bụng, được một mụ vườn đỡ đẻ bằng cách vuốt cây giang và bỏ vào nồi nước luộc, sau đó vớt ra, lau khô cắt rốn cho bé.
Từ lúc sinh ra, bé đã rất yếu, không tự bú mẹ được. Dù được thay băng rốn hằng ngày, nhưng đến ngày thứ 3 sau sinh, rốn sưng đỏ và có mủ, bé khó thở, sốt và vàng da. Ngày 29.3, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện, với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi nặng, nhiễm trùng rốn, vàng da sơ sinh. Lúc vào viện, bé sốt 390C, không bú, thở khò khè, vàng da, rốn nhiều mủ. Đến 7 giờ 30 ngày 30.3, bé được chuyển xuống BVĐK tỉnh; nhưng đã không còn kịp. Theo chị Trần Thị Lệ Nguyên, nữ hộ sinh của Trạm Y tế xã Canh Hiệp, sau khi sự cố xảy ra, gia đình chị Trúc vẫn cố tình giấu “tung tích” của bà mụ vườn.
Tình trạng sản phụ vượt tuyến, lên thẳng trung tâm y tế huyện vẫn phổ biến, bởi họ chưa tin tưởng vào năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cũng như chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã.
- Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Vân Canh.
“Con cái như trái bầu trái bí”
Sau cái chết đau lòng của con sản phụ Trúc, chúng tôi tìm về làng Hiệp Hưng. Trúc mặc áo thun, quần cộc, nằm cong queo trên nhà sàn. Biết có người lạ đến, cô vẫn không quay lại. Bà mẹ chồng - vợ của trưởng làng - chóp chép miệng trầu, quầy quả: “Tôi cũng nói nó đi khám bầu, chích kim, nhưng nó không chịu đi thì biết làm sao. Con cái như trái bầu trái bí, cứ ra bông, đậu trái thì mình hái, không đậu thì thôi, trách ai được”.
Cách nhà Trúc mấy bước chân là nhà chị Đoàn Thị Kim Tài, nhân viên y tế làng Hiệp Hưng. Chị Tài khẳng định: “Khi biết Trúc có thai, tôi đã 3-4 lần vận động đi khám. Mỗi lần có đợt tiêm phòng, tôi đến nhắc thì Trúc lẩn tránh, vận động đi bệnh viện sinh cũng không nghe, nói sợ tốn tiền”.
Thống kê của Trung tâm Y tế huyện Vân Canh cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, tình trạng đẻ tại nhà vẫn xảy ra phổ biến ở xã Canh Liên (7/13 ca), Canh Thuận (2/19 ca), Canh Hiệp (2/12 ca, chưa tính trường hợp sản phụ Mai Thị Trúc). Trước đó, Canh Hiệp vẫn là địa bàn “nhức nhối” khi năm 2012 có 16/67 ca sinh tại nhà, riêng làng Canh Giao đạt “kỷ lục” với 6/6 ca.
Theo y sĩ Đào Thị Lê Hào, Đội phó Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, nhận thức của bà con không đồng đều, nhiều người không biết chữ, nên hiệu quả tuyên truyền không cao. Nhiều người rất chủ quan, thai đã lớn vẫn lên rẫy, gùi củi, gùi mì. Đó là chưa kể, đồng bào dân tộc vẫn còn tâm lý sợ người khác “nhìn thấy” khi khám thai, sinh đẻ. “Cách đây 3 năm, chúng tôi từng gặp một trường hợp “cứng đầu”. Đứa con đầu lòng đã sinh ở nhà, khi người vợ mang thai đứa thứ 2, chúng tôi đến vận động thì người chồng ngăn cản vì không muốn nhiều người “nhìn ngó” vợ mình. Phải chật vật lắm chúng tôi mới vận động được họ đến bệnh viện để sinh”, y sĩ Hào cho biết.
Chuyển hướng tuyên truyền
Ở Vân Canh, tình trạng sản phụ vượt tuyến, lên thẳng Trung tâm Y tế huyện sinh vẫn còn phổ biến, bởi người dân chưa tin tưởng vào năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cũng như chất lượng dịch vụ tại Trạm Y tế xã. Đến nay, chỉ có Trạm Y tế Canh Vinh và Canh Hiển là có người đến sinh.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng rốn cho cháu bé là do cây giang hay băng rốn. Việc xác định ai là người đỡ đẻ cũng rất quan trọng, để vận động, sớm chấm dứt tình trạng “mụ vườn” đỡ đẻ tại nhà. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của các nhân viên y tế liên quan”.
Bác sĩ NGUYỄN VĂN NGỌ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho biết phải đặt máy siêu âm trong phòng sinh để kiểm tra tình trạng thai nhi trước khi sinh. Chỉ 3 tháng đầu năm nay đã phát hiện một số trường hợp thai nhi chết lưu trong bụng mẹ mà sản phụ không hề biết. Điều đó chứng tỏ việc quản lý thai nghén còn hạn chế, nhiều sản phụ vẫn chưa khám thai đều đặn trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, phương thức tuyên truyền tại cộng đồng hay theo nhóm đã không còn phù hợp. Mới đây, 3 đợt tuyên truyền về sức khỏe sinh sản được tổ chức tại làng Canh Thành, Canh Phước, Canh Lãnh (xã Canh Hòa) đều “vắng tanh”. “Thời gian tới, nhất thiết phải thực hiện tuyên truyền có đích, có điểm, hướng đến từng đối tượng cụ thể tại từng hộ gia đình. Có vậy mới hy vọng thay đổi được suy nghĩ của bà con”, bác sĩ Ngọ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ Ngọ, công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cũng phải gần gũi hơn với thực tế, phải lấy những trường hợp điển hình để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ông Ngọ kể: “Cách đây 5 năm, trong một ca sinh tại nhà ở làng Canh Thành, Canh Hòa, sản phụ bị sản giật, may mà các nhân viên y tế kịp thời đến nhà, cấp cứu tại chỗ. Sau đó, phải điều trị tích cực 4 ngày ở Trung tâm Y tế huyện mới phục hồi sức khỏe cho sản phụ. Sau trường hợp này, số ca sinh tại nhà ở Canh Hòa giảm hẳn”.
NGUYỄN VĂN TRANG