Để nói dân hiểu, hiểu dân nói
Nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các vùng có người dân tộc Bana Kriêm trong tỉnh có thể giao tiếp với người dân bằng tiếng Bana Kriêm, một bộ tài liệu dạy tiếng Bana Kriêm cho những đối tượng này sắp sửa được ban hành.
Tại Bình Định, người Bana cư trú tại các xã của huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão và Hoài Ân, với khoảng 12.000 người, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh (8.000 người). Các phương ngữ chính tiếng Bana gồm Bana Rơ ngao, Bana Gia Lai, Bana Tơ Lô, Bana Kriêm. Giữa các phương ngữ trên, sự khác biệt thể hiện rõ rệt giữa Bana Kon Tum (Bana Rơ ngao), Bana Gia Lai và Bana Kriêm (Bana Bình Định). Trong chương trình dạy tiếng Bana cho cán bộ, công chức, viên chức Bình Định, phương ngữ Bana Kriêm (Bana Vĩnh Thạnh) được chọn làm phương ngữ cơ sở. Các phương ngữ khác được xử lý phù hợp với học viên công tác ở từng vùng phương ngữ.
Bộ tài liệu dạy tiếng Bana Kriêm cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định hiện tại (bản thảo) được biên soạn, xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tài liệu tiếng Bana của tỉnh Gia Lai (đã được Bộ Nội vụ thẩm định) và bộ tài liệu tiếng Bana Kriêm do UBND tỉnh Bình Định và Viện Ngôn ngữ học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác thực hiện (ban hành năm 2008). Ngày 25.3 vừa qua, Hội đồng thẩm định, nghiệm thu Bộ tài liệu dạy tiếng Bana Kriêm cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, đóng góp cho bản thảo tài liệu này.
Bản thảo tài liệu dạy tiếng Bana Kriêm gồm có 3 phần chính: phần 1 là âm và chữ, phần 2 gồm 10 bài học chủ đề, giao tiếp bằng song ngữ Bana - Việt và phần 3: ngữ vựng đối chiếu Bana - Việt. Trên cơ sở nghiên cứu bộ tài liệu ở dạng bản thảo, các thành viên trong Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đã tập trung chỉ ra những điểm còn sai sót, hạn chế nhằm chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi ban hành đưa vào sử dụng.
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định, nghiệm thu công trình ý nghĩa này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng cho biết, việc biên soạn, chuẩn bị ban hành Bộ tài liệu dạy tiếng Bana Kriêm cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định là thực hiện Chỉ thị số 38 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Bộ tài liệu khi áp dụng trong chương trình dạy tiếng Bana Kriêm sẽ giúp cho học viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác ở những vùng có đồng bào Bana Kriêm sinh sống có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Bana Kriêm (nghe, nói, đọc, viết). Để từ đó có những hiểu biết cần thiết về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào; tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc Bana ở Bình Định… Là công trình vừa có giá trị thực tiễn vừa có ý nghĩa to lớn đối với đồng bào Bana trong tỉnh, vì vậy, đồng chí Mai Thanh Thắng lưu ý những người phụ trách biên soạn nêu cao tinh thần tiếp thu những góp ý xác đáng, nỗ lực chỉnh sửa để hoàn thiện và có thể ban hành bộ tài liệu trong thời gian tới.
Tham gia góp ý tại Hội nghị này, ông Đinh Y Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, chia sẻ: “Trong 54 dân tộc Việt Nam anh em, có những dân tộc chỉ có tiếng nói chứ không có chữ viết, và dân tộc Bana là một trong những dân tộc may mắn có cả tiếng nói lẫn chữ viết. Bộ tài liệu dạy tiếng Bana Kriêm sắp được ban hành ra đời kịp lúc khi chữ viết Bana đang mai một và có nguy cơ mất. Ngay như hiện nay, đa số đồng bào, con em Bana Vĩnh Thạnh vẫn chỉ nói được mà không biết viết như thế nào. Người Bana Kriêm Bình Định rất cám ơn sự quan tâm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của UBND tỉnh đã tạo điều kiện để tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm được bảo tồn”.
KHẢI THƯ