Chi bộ khối Trung Lương:
Thành công nhờ “dân vận khéo”
Trong 2 năm gần đây, khối Trung Lương trở thành điểm sáng của thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) về những hiệu quả đạt được trong quán triệt và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, từ đó tổ chức cho quần chúng cùng tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Khối Trung Lương nằm đầu nguồn dòng Lại giang, hàng năm, thường xuyên bị lũ lụt hoành hành gây thiệt hại không nhỏ. Theo chủ trương về đầu tư xây dựng tuyến đê ngăn lũ từ phía bắc chân đập thủy lợi Lại giang đến mố cầu Bồng Sơn mới, kết hợp với chương trình kiên cố hóa đường giao thông trên địa bàn thị trấn, Trung Lương là một trong những khối có đường giao thông trong kế hoạch cần được mở rộng và nâng cấp. Tuy nhiên, theo đề án, tuyến đường nội bộ này không thuộc chủ trương đền bù, vì vậy đòi hỏi chi bộ và các đoàn thể trong khối phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình tự nguyện giải tỏa, xây dựng đường giao thông.
Xác định đây là việc làm không có tiền lệ và cần có sự quyết tâm cao của cấp ủy chi bộ, mặt trận, các hội đoàn thể và đảng viên, chi bộ khối đã tổ chức họp để quán triệt đến với từng đảng viên, đồng thời ra nghị quyết lãnh đạo triển khai nhiệm vụ cho ban công tác mặt trận và các hội đoàn thể. Bên cạnh đó, khối tổ chức thông báo đến từng hộ gia đình, khảo sát thực địa, kiểm kê diện tích mặt bằng phải giải phóng, kết hợp với việc tuyên truyền, làm công tác tư tưởng, sau đó tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân. Ông Nguyễn Trung Thành, bí thư chi bộ khối Trung Lương, chia sẻ: “Những ngày đầu triển khai thực hiện, chúng tôi gặp không ít khó khăn vì có hơn phân nửa hộ dân trên tuyến đường này phản đối, đòi tiền đền bù đất đai, hoa màu, tài sản theo quy định. Song, với quyết tâm, chi bộ tổ chức họp mở rộng để bàn bạc và tìm ra giải pháp để thực hiện, đó là: phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ đảng viên, chi hội trưởng các hội đoàn thể phụ trách hộ đến từng gia đình vận động; cán bộ, đảng viên có đất đai, hoa màu nằm trên tuyến đường này thì phải gương mẫu thực hiện trước. Những hộ nào còn chưa “thông”, chi bộ cùng các hội, đoàn thể đến tận gia đình động viên, thuyết phục. Khi các gia đình tự nguyện hiến đất, chi bộ cùng ban nhân dân khối cho mời các hộ đến làm đơn tự nguyện và ký biên bản”.
Nhờ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cũng như đề ra những giải pháp, bước đi thích hợp, kết quả là 100% các hộ có mặt bằng phải giải tỏa đều nhất trí hiến đất, tổng cộng là 2.500 m2, tháo dỡ các công trình xây dựng, chặt phát hàng trăm cây lâu năm có giá trị, mở rộng hành lang làm đường.
Đi đầu trong phong trào hiến đất của khối là gia đình cụ Nguyễn Thị Hoa (73 tuổi), Huỳnh Thị Tùng (83 tuổi). Đáng biểu dương nhất là hộ ông Nguyễn Quang Ánh (62 tuổi), ngoài việc tiên phong tháo dỡ gần 100 m tường rào, sân gạch, cùng hàng chục cây cảnh, cây lâu năm, ông còn đóng góp điện, nước để phục vụ việc đổ bê tông và sẵn sàng dùng vườn dừa trĩu quả của gia đình mình chuyển đổi vĩnh viễn cho những gia đình nào còn luyến tiếc, chưa chịu chặt dọn những cây dừa trên tuyến đường đi qua, để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt, có những hộ ban đầu phản ứng khá gay gắt nhưng cuối cùng lại là những hộ hiến đất đai, hoa màu, cây ăn trái nhiều nhất như hộ ông Nguyễn Tiềm, Nguyễn Chiều, Nguyễn Giáp… Những tấm gương đi đầu này đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến và ý thức trách nhiệm của người dân khối Trung Lương trong việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
DIỆP BẢO SƯƠNG