Chung quanh việc bồi thường, hỗ trợ GPMB và TĐC do xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải CEPT:
Người dân còn nhiều thắc mắc
Phản ảnh với Báo Bình Định, ông Lê Văn Hải và nhiều hộ dân ở tổ 23, khu vực (KV) 3, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) cho rằng Ban quản lý Dự án vệ sinh môi trường (BQL DAVSMT) TP Quy Nhơn thiếu công bằng trong giải quyết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) khi thực hiện xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải CEPT thuộc Tiểu DAVSMT TP Quy Nhơn.
Phản ảnh của người dân
Năm 2008, Dự án Nhà máy Xử lý nước thải CEPT thuộc Tiểu DAVSMT TP Quy Nhơn được triển khai xây dựng tại KV 3, phường Nhơn Bình. Theo kế hoạch TĐC lập vào tháng 4.2008, Dự án sẽ ảnh hưởng khoảng 110 hộ gia đình đang sinh sống tại tổ 20 và 23, KV 3; trong đó có 97 hộ gia đình phải di dời tới nơi ở mới. Cũng theo kế hoạch TĐC, tất cả các hộ có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Xử lý nước thải CEPT được bồi thường, hỗ trợ GPMB và TĐC theo cơ chế “đất đổi đất” và “khi đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.
Thế nhưng, khi triển khai thực hiện GPMB và TĐC, BQL DAVSMT TP Quy Nhơn đã bị nhiều người dân nơi đây khiếu nại, cho rằng có sự khuất tất, thiếu công bằng, gây nhiều bức xúc cho người bị giải tỏa mặt bằng. Đơn cử, một số gia đình, như hộ ông Lê Văn Diễn, Trương Văn Cường, bà Nguyễn Thị Thi… sinh sống trên đất do cha mẹ để lại, có nhà ở ổn định nhưng không được xem xét bồi thường, hỗ trợ mà phải bỏ tiền ra mua đất để có nơi TĐC. Hay hộ gia đình ông Lê Văn Hải đến nay vẫn chưa được ngành chức năng xem xét, giải quyết việc bồi thường GPMB và hỗ trợ TĐC. Ngược lại, diện tích đất nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng lõi (vùng xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải CEPT) do UBND phường Nhơn Bình cho nhóm hộ (5 hộ) thuê để sản xuất, canh tác đã hết hạn thuê vào năm 2008; thế nhưng, vào thời điểm năm 2009, BQL vẫn xem xét bồi thường, hỗ trợ cho nhóm hộ này số tiền gần 7 tỉ đồng (trong đó có cả tiền gạo hỗ trợ ổn định cuộc sống). Mặt khác, nhóm hộ thuê đất nuôi trồng thủy sản đã cải tạo một phần diện tích đất từ lòng hồ để xây dựng chòi canh tôm, cá, nhưng BQL và UBND phường Nhơn Bình phối hợp xác nhận diện tích đất xây dựng chòi canh là đất thổ cư để tính toán đền bù và cấp đất TĐC. Trong khi đó, BQL DAVSMT TP Quy Nhơn lại “bỏ sót” khoản hỗ trợ gạo ổn định cuộc sống đối với các hộ gia đình phải di dời nơi ở, khiến nhiều hộ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống sau TĐC.
Ý kiến người trong cuộc
Ông Huỳnh Hữu Phúc, Phó Giám đốc BQL DAVSMT TP Quy Nhơn, cho biết: “Thiếu sót, bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý nước thải CEPT là có xảy ra. Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương lập phương án bổ sung về khoản hỗ trợ gạo và giảm tiền sử dụng đất phải nộp đối với các hộ đã di dời. Tuy nhiên, phản ảnh của một số hộ dân ở KV 3, phường Nhơn Bình về nội dung BQL DAVSMT TP Quy Nhơn khuất tất, không công bằng là không hoàn toàn chính xác”.
Ông Phúc giải thích thêm: Sở dĩ hộ ông Lê Văn Diễn, ông Trương Văn Cường, bà Nguyễn Thị Thi không được bồi thường về đất ở là bởi họ bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm khi xây dựng nhà. Một số hộ khác cũng cất nhà trái phép, nhưng địa phương chưa lập biên bản vi phạm thì chúng tôi phải bồi thường. Còn trường hợp ông Lê Văn Hải, do chính quyền địa phương chưa giải quyết dứt điểm về xác định diện tích đất bị ảnh hưởng nên BQL chưa tính đến phương án bồi thường, hỗ trợ.
Riêng đối với nhóm hộ thuê đất do UBND phường Nhơn Bình quản lý để sản xuất, canh tác thủy sản, Hội đồng bồi thường, GPMB và TĐC DAVSMT TP Quy Nhơn (sau đây gọi là Hội đồng) căn cứ vào khoản 7, điều 8, Quyết định 03/2009 của UBND tỉnh để xem xét bồi thường, hỗ trợ diện tích đất bị ảnh hưởng. Còn chòi canh do các hộ xây dựng được Hội đồng xem xét bồi thường theo diện tài sản có trên đất bị ảnh hưởng và tính toán theo đơn giá loại nhà N7.
Về khoản hỗ trợ gạo ổn định cuộc sống đối với các hộ phải di dời nơi ở, do vướng mắc, bất cập bởi Nghị định 197/2004 và Nghị định 69/2009 nên khi tính toán bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng chưa xem xét giải quyết. Khi các hộ gia đình có ý kiến, vừa qua Hội đồng đã kiến nghị với các ngành chức năng tính hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống cho các hộ có nhà ở di dời theo quy định của khung chính sách. Cụ thể, các trường hợp phải di dời chỗ ở sẽ được hưởng mức hỗ trợ là 30kg gạo/người/tháng x 6 tháng x số nhân khẩu thực tế có mặt x giá gạo do Sở Tài chính thông báo. Hiện BQL DAVSMT TP Quy Nhơn đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện mức hỗ trợ này.
Có thể thấy, BQL DAVSMT TP Quy Nhơn và Hội đồng bồi thường, GPMB và TĐC có thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Xử lý nước thải CEPT. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ; đối thoại với các hộ khiếu nại còn chậm, nên xảy ra bức xúc đối với người dân địa phương.
Để Dự án Nhà máy Xử lý nước thải CEPT được triển khai thuận lợi, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, BQL DAVSMT TP Quy Nhơn và các ngành chức năng liên quan cần nhanh chóng tổ chức đối thoại công khai, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của các hộ gia đình có đất bị ảnh hưởng theo đúng quy định.
“Người dân chúng tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh, xử lý những dấu hiệu khuất tất để đem đến sự minh bạch, công bằng cho người dân”, ông Lê Văn Hải bày tỏ.
Bài, ảnh: VĂN LỰC