Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam:
Sự hợp tác của chính quyền và người Bình Định mang đến thành công cho các dự án
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bình Định từ ngày 9-11.4, ngài Haike Manning, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam, đã chủ trì cuộc họp báo vào cuối buổi chiều hôm nay (10.4), với đại diện của hơn 10 cơ quan báo chí địa phương và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp do Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức.
Quan hệ hữu nghị lâu đời
Đây là khẳng định của ngài Đại sứ tại buổi họp báo khi nói về mối quan hệ giữa New Zealand và Bình Định. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, Chính phủ New Zealand đã có một số chương trình viện trợ phát triển (ODA) cho tỉnh Bình Định. Sau năm 1975, New Zealand là quốc gia đầu tiên kết nối việc hỗ trợ trở lại cho Bình Định thông qua các cá nhân và các tổ chức phi lợi nhuận dưới hình thức phi dự án. Trong hơn mười năm gần đây, Chính phủ New Zealand đã hỗ trợ nhiều dự án cho Bình Định trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, quản lý đất đai và đã đem lại lợi ích thiết thực.
Bình Định là điểm đến thứ ba của ngài Đại sứ, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau 6 tháng nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Lý giải cho điều này, ngài Đại sứ cho biết đó là vì mối quan hệ hợp tác lâu dài tốt đẹp giữa New Zealand và Bình Định đã và đang tiếp tục phát triển, vì Bình Định là địa bàn trọng điểm của chương trình viện trợ của New Zealand trong thập kỷ vừa qua.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về hiệu quả các dự án mà Chính phủ New Zealand triển khai tại Bình Định, về năng lực tiếp nhận và quản lý dự án của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, ngài Đại sứ đánh giá các dự án này đều đã đạt được những kết quả rõ ràng, góp phần cải thiện thu nhập, mức sống và chất lượng dịch vụ công cho người dân Bình Định. Theo ngài Đại sứ, lý do các dự án trên thành công là nhờ có sự hỗ trợ, ủng hộ, tham gia nhiệt tình của chính quyền và người dân Bình Định.
Về cơ hội hợp tác thương mại giữa Bình Định và New Zealand trong thời gian tới, ngài Đại sứ Haike Manning nói: “Có 3 lĩnh vực tôi nghĩ có thể có triển vọng hợp tác giữa hai bên, đó là giáo dục, thương mại và chương trình “Làm việc trong kỳ nghỉ”. Tôi đặc biệt quan tâm đến thế mạnh sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Bình Định bởi New Zealand có thế mạnh trong việc trồng và khai thác rừng thân thiện với môi trường, vì thế hai bên có thể hợp tác tốt với nhau trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, New Zealand đang có chương trình hỗ trợ lãnh đạo trẻ của các doanh nghiệp Việt Nam sang New Zealand tìm kiếm cơ hội đầu tư. Có thể trong năm tới, New Zealand sẽ dành cơ hội cho một vài lãnh đạo trẻ của các doanh nghiệp Bình Định”.
Quang cảnh buổi họp báo.
Sẽ chuyển sang quan hệ đối tác chiến lược
● Báo Bình Định: Hiện có 2 dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ New Zealand đang trong quá trình triển khai tại Bình Định là “Sinh kế nông thôn bền vững: kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” và “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam”. Ông đánh giá như thế nào về sự cam kết hợp tác của tỉnh Bình Định trong quá trình thực hiện 2 dự án này?
Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Định, ngài Đại sứ Haike Manning đã gặp mặt lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và nông dân thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và Hoài Nhơn, những địa phương hưởng lợi từ dự án “Sinh kế nông thôn bền vững: kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường”; thăm điểm trường lẻ Tây Phú (Tây Sơn) do Dự án “Chăm sóc và giáo dục mầm non tỉnh Bình Định” của Chính phủ New Zealand tài trợ; nói chuyện với giảng viên và sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn.
- Về dự án “Sinh kế nông thôn bền vững: kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường”, tỉnh Bình Định đã thực hiện đúng tiến độ, vì ngay từ đầu đã có sự hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh - là cơ quan quản lý dự án, và Sở NN-PTNT - cơ quan thực hiện dự án, và sự ủng hộ của người dân hưởng lợi từ dự án. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác đó. Đây cũng là điểm quan trọng để dự án đi đúng hướng với mục tiêu tăng thêm thu nhập cho người dân bằng cách hướng dẫn họ nâng cao chất lượng nông sản, kết nối với thị trường, thông qua các hợp phần: sản xuất rau sạch (tiêu chuẩn VietGAP), chăn nuôi bò thịt và chế biến sản phẩm từ cây dừa. Khi đến thăm một hộ nông dân ở thị xã An Nhơn, tôi đã rất vui mừng khi thấy ông ấy đã biết cách nuôi vỗ béo bò một cách hiệu quả; hay những phụ nữ trong lúc nông nhàn, người lớn tuổi đã có thêm thu nhập từ công việc chế biến thảm xơ dừa tại huyện Hoài Nhơn. Tôi tin tưởng dự án này sẽ thành công và vì thế, chúng tôi đang tiến hành gia hạn dự án này đến tháng 12.2014, thay vì sẽ kết thúc vào ngày 31.7.2013 như thỏa thuận ban đầu.
Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” là dự án lớn mà Chính phủ New Zealand hợp tác với Bộ TN-MT Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và 9 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Bình Định. Đây là dự án phức tạp, bởi liên quan đến đất đai là vấn đề nóng, có tác động rất lớn đến người dân. Mục tiêu của dự án là tăng cường nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc quản lý đất đai, xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đất đai... Dự án góp phần tăng cường tính minh bạch trong quá trình quản lý đất đai ở Việt Nam.
Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững: Kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” được triển khai tại tỉnh có tổng kinh phí thực hiện 2,138 triệu USD. Trong đó, phần kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ New Zealand là 1,737 triệu USD.
- Trong ảnh: Một góc làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) - nơi được Dự án hỗ trợ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
● Báo Bình Định: New Zealand là nhà hỗ trợ hàng đầu của tỉnh Bình Định, tuy nhiên gần đây, một số chương trình, dự án của Chính phủ New Zealand không còn được triển khai tại Bình Định nữa. Vậy theo ông, để tiếp tục nhận được các dự án, chương trình đó, Bình Định cần đáp ứng được các điều kiện gì?
- Về điều này, chúng tôi đang thảo luận với lãnh đạo tỉnh và hiện chưa có kế hoạch mới. Mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand đang có thay đổi trong hợp tác phát triển, về lâu dài sẽ chuyển sang quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay, Việt Nam đã là một nước có thu nhập trung bình, nên mối quan hệ giữa hai nước không còn đơn thuần là việc cho - nhận viện trợ, mà là hợp tác cùng phát triển. Chẳng hạn như Dự án lai tạo giống thanh long mới do Chính phủ New Zealand đang hỗ trợ cho một tỉnh miền Nam thực hiện, thì ở đó, quá trình hình thành, quản lý dự án là do các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của hai nước tự thảo luận và thực hiện, từ khâu tạo giống, sản xuất, đóng gói đến xuất khẩu, nhằm mang lại lợi nhuận cho cả hai bên.
Kết thúc buổi họp báo, ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam Haike Manning cho biết sẽ “Suy nghĩ và cân nhắc nghiêm túc về sự hợp tác phát triển tiếp theo giữa hai nước nói chung và New Zealand - Bình Định nói riêng; sẽ tạo lập các mối quan hệ càng nhiều càng tốt với người Việt Nam, không chỉ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”.
THU HÀ - NGUYÊN SƯƠNG
Các dự án do Chính phủ New Zealand hỗ trợ Bình Định đã và đang triển khai:
- Dự án “Chăm sóc và giáo dục mầm non tỉnh Bình Định” (2007-2009), tổng kinh phí gần 3 triệu USD, hỗ trợ xây dựng 84 trường mầm non tại 41 xã miền núi, vùng sâu tại tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho 6.000 trẻ em theo học ít nhất 1 năm chương trình dự bị trước khi tới trường.
- Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em” VIE/03-P20 (2005-2009), tổng kinh phí trên 3,3 triệu USD, trong đó Chính phủ New Zealand tài trợ gần 3 triệu USD.
- Dự án “Sinh kế nông thôn bền vững: Kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường” (2009-2014), tổng kinh phí thực hiện trên 2,1 triệu USD, trong đó Chính phủ New Zealand viện trợ không hoàn lại trên 1,7 triệu USD, còn lại là kinh phí đối ứng của tỉnh.
- Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam” (2008-2013), tổng kinh phí viện trợ cho cả nước (trong đó có Bình Định) là 5 triệu USD.
Ngoài ra còn có chương trình học bổng ngắn hạn cho cán bộ Việt Nam (trong đó Bình Định có 5 người tham gia); chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức tình nguyện phục vụ hải ngoại (VSA), tổ chức Ủy thác y tế Việt nam - New Zealand (Health Trust).