Mẹ, con và cuộc chiến giảm cân
Sau một thời gian chăm bẵm vì sợ con suy dinh dưỡng, quá gầy còm, đến một ngày mẹ mới chợt nhận ra rằng con mình đang dần trở nên quá mũm mĩm đến mức thừa cân, béo phì. Gian nan cuộc chiến giảm cân cho con bắt đầu…
Nếu ngày trước, hết cha mẹ đến ông bà chạy theo dỗ dành con ăn, thì nay, ngày càng có nhiều gia đình bắt đầu thực hiện chiến dịch bắt con “giảm cân” khi bác sĩ cảnh báo cháu có nguy cơ béo phì hoặc đã béo phì thực sự.
Trước ép ăn, giờ ép nhịn
“Mỗi bữa tôi chỉ cho cháu hai lưng chén cơm. Thịt và các chất béo khác cũng rất hạn chế, rau nhiều hơn. Thằng nhỏ ban đầu phản ứng lắm vì không quen…” - chị Thu Huyền, nhân viên hành chính, nhà ở phường Nguyễn Văn Cừ, Quy Nhơn, chia sẻ. Từ hơn nửa năm nay, chị Huyền kiên trì duy trì chế độ ăn nhiều rau, ít đạm cho con, thế nhưng thằng bé con chị vẫn còn khá “mũm mĩm”.
Thông thường, mẹ là người ý thức trước về nguy cơ béo phì của con, cần thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thể thao cho con hợp lý hơn. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nhất trí cao trong việc thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân cho con, cháu. Đôi khi sự thay đổi ấy lại làm dấy lên những xung đột khác trong gia đình, giữa bên kiên quyết bảo vệ quyền được ăn uống thoải mái của con (thường là ông bà và bố) và giữa một bên kiên quyết đòi giảm cân.
Theo chị Thanh Nga, làm việc tại một cơ quan truyền thông, cuộc chiến giữa một bên đòi cho cháu ăn thêm- là ông bà và một bên cương quyết không cho con ăn - là mình, trong gia đình chị rất căng thẳng. Con chị mới cao 1m47 nhưng nặng gần 54 cân. Chị Nga muốn cho con ăn ít cơm hơn, song vấp phải sự phản ứng quyết liệt của bố mẹ chồng chị bởi “cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, cần phải được ăn nhiều”. Chị Nga than: “Ăn hết tiêu chuẩn, thằng bé năn nỉ thêm nửa chén nữa. Tôi lắc đầu, nhưng bên kia bà đã nhanh tay bới cơm rồi. Bà bảo nhiều nhặn gì lưng chén cơm mà cấm cản. Đã vậy, bà chỉ thích nấu mấy món chiên xào, nhiều thịt theo ý cháu. Tôi góp ý, bà hờn lẫy từ nay cô tự nấu lấy cho cả nhà…”.
Gian nan cuộc chiến giảm cân
Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh một bà mẹ dẫn con gái mũm mĩm lên phòng tập thể dục thẩm mỹ dành cho người lớn cách đây vài năm. Thay vì cho con tập lớp thể dục nhịp điệu chung với các bạn đồng trang lứa, chị lại cho con học chung lớp thể dục thẩm mỹ của người lớn… để tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Con tập ở trong phòng, mẹ đứng ở ngoài canh chừng. Con tập lơ là, mẹ chạy vào nhắc nhở. Con không chịu tập, dỗ mãi không được, chị quay ra nạt: “Đồ làm biếng”, rồi than thở: “Ngày nhỏ nó khó nuôi nên gia đình ra sức tẩm bổ, giờ hãm không kịp nữa…”.
Vốn là bác sĩ, nên chị Hoàng Thanh biết rõ tác hại của trẻ béo phì. Ngay từ lúc con trai của chị “có bụng” cũng là lúc chị có kế hoạch giảm cân cho con. Ban đầu, chị về làm “công tác tư tưởng” với ba mẹ chồng, đề nghị ông bà không nên cho cháu ăn tuỳ tiện, bánh kẹo các loại và không can thiệp sâu vào việc con dâu cho cháu ăn theo chế độ giảm cân. Sáng sớm, chị nhờ chồng trông con nhỏ để mình ra sân đánh cầu lông với con lớn. Kết quả, sau ba tháng hè, cháu đã “mất bụng”, người thon gọn, linh lợi hẳn.
Còn với chị Thu Hiền, 32 tuổi, nhân viên ngân hàng, từ khi chị giảm khẩu phần ăn cho bé Bún, đứa con gái 5 tuổi, cũng là lúc chồng chị bắt đầu… thích uống sữa. Đang được uống sữa thỏa thích, bé Bún chỉ được uống một hộp nên thèm sữa kinh khủng. Bún lén mẹ uống sữa, vứt vỏ hộp sang nhà hàng xóm để… phi tang. Mẹ bắt gặp, đem sữa vào tủ khóa lại, ngày chỉ phát cho Bún một hộp mà thôi. Bố thương con chẳng biết làm sao nên nói với vợ “dạo này anh mệt, cần bồi dưỡng thêm”. Tối đến, bố lấy ra một hộp sữa, nhắp một chút gọi là rồi lén lút đưa cho con gái. Được vài lần chị Hiền bắt quả tang, cằn nhằn chồng. Thế là cả nhà ầm ĩ vì cãi nhau.
Với những bà mẹ có con thừa cân, ý thức được tác hại của béo phì đối với con trẻ, thì cuộc giảm cân cho con vô cùng gian nan. Thú thật, tôi cũng đang là một bà mẹ như vậy. Có những lúc con thèm thuồng, tức tối vì không được ăn theo ý thích rồi nhìn mẹ đầy trách móc, tôi thấy mình chẳng khác nào là “kẻ độc tài”. Nhiều lúc không còn đủ sức chạy bộ với con hàng cây số nhưng vẫn phải cố cùng con, vì không có mẹ tập cùng con lười vận động hẳn. Vậy mà, không hiếm bà mẹ khác lại ngưỡng mộ khi nhìn thấy con tôi: “Ước gì con tui giống con bà. Tui chăm nó hoài mà hỏng thấy mập đâu cả”.
Tôi cười như mếu.
HOÀNG LAN