Làm sách thời nay khó trăm bề!
Công nghệ thông tin, cụ thể là Internet và truyền hình cáp đã đẩy sách vào một nẻo... đầy chông gai. Vậy những nhà làm sách - nhà nước lẫn tư nhân - đã làm gì để níu kéo độc giả?
Các nhà làm sách nói chung đang gặp muôn vàn trở ngại, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn hiện nay. Khi những vấn đề nóng bỏng, bức thiết khác của đời sống được đưa lên hàng đầu, thì đối với sách bạn có thể vẫn thích, rất thích, nhưng hoàn toàn có thể tạm gác qua một bên. Mặt khác, công nghệ thông tin đã làm giảm hẳn lượng độc giả sách báo nói chung. Chỉ cần một chiếc điện thoại nối mạng là bạn có thể truy cập hầu hết các trang sách điện tử, tha hồ đọc online hoặc tải về từ từ nghiền ngẫm mà không phải mất xu nào, hoặc nếu có thì cũng rất ít, không như sách in giá cả đắt đỏ bởi một quyển sách làm ra phải qua rất nhiều khâu. Đầu sách xuất bản giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đội ngũ làm xuất bản nói chung.
Hiện có 2 xu hướng, cũng là 2 “lối thoát” đối với nhiều nhà xuất bản và các đơn vị làm sách tư nhân. Một là tạo dựng đội ngũ tác giả (trong nước) hoặc mua độc quyền tác phẩm (ngoài nước) cho riêng mình. Hai là xin giấy phép và chịu trách nhiệm về mặt nội dung cho đội ngũ các đơn vị làm sách liên kết, hay các “cộng tác viên”. Tuy nhiên, tất cả đều phải chịu mức chiết khấu rất cao (từ 40-60%) khi muốn sách của mình được có mặt, bày bán tại hệ thống các nhà sách lớn nhỏ. Điều bất hợp lý này đã tồn tại bấy lâu nay mà hầu như không ai giải quyết nổi. Và chính điều này mới là tác nhân đẩy giá sách lên cao, để cuối cùng chính độc giả hứng đủ, và đội ngũ tác giả, cộng tác viên… cũng ngày càng giảm dần.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có đến 64 NXB, nhưng chỉ… 4 “nhà” báo cáo lãi, phát triển ổn định và nộp đủ các nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, sự kiện 7 NXB đồng loạt viết đơn kêu cứu vào cuối năm ngoái cũng đã cho thấy thực trạng xuống dốc và bế tắc rõ rệt của ngành xuất bản, bởi chịu tác động nặng nề từ sự khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, không thể không nhắc tới tình trạng sách điện tử, nhất là sách lậu đã góp tay “bóp” luôn một số đơn vị làm sách đang… thoi thóp. “Chúng tôi hy vọng Luật Xuất bản bổ sung sắp tới sẽ siết chặt hơn tình trạng này” - đại diện các đơn vị xuất bản cho biết.
Về đối tượng bạn đọc trẻ, xu hướng nghiêng về những quyển dạng tản văn, nhẹ nhàng kể chuyện, khơi, gợi ký ức và những kỷ niệm đẹp... Còn để có được những quyển bán chạy, “best-seller”, thì không thể dựa vào vận may như trước đây đối với một số đầu sách, mà đã có, đã biết nghiên cứu thị trường, sở thích, xu thế… xã hội. Đó gọi chung là “sách công cụ”. Cụ thể, khi một trào lưu nào đó nổi lên, thì các loại sách liên quan trào lưu đó lập tức bán chạy, được phần lớn độc giả tìm kiếm, săn lùng. Ví dụ, cách đây 2 năm khi phong trào nuôi chim yến thịnh hành, những đầu sách xoay quanh kỹ thuật nuôi và chăm sóc loại chim này luôn trong tình trạng hút hàng; và tương tự, đối với các trào lưu nuôi chim cá cảnh, thú cưng; trào lưu phong thủy, yoga, thiền…
Ngoài ra, được biết mỗi NXB, nhà làm sách đều tìm cho mình dòng sách riêng, “nước sông không phạm nước giếng” để cùng nhau chống chọi và tồn tại. Ví dụ, đối với đông đảo độc giả, hễ nhắc đến Nhã Nam là nhắc đến dòng sách văn học dịch, Kim Đồng, Đông A, Phan Thị “chuyên trị” các loại sách thiếu nhi, NXB Trẻ gần đây được chú ý nhiều ở tủ sách Cánh cửa mở rộng của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt; Thái Hà Books thời kỳ đầu thiên về sách kinh doanh, doanh nhân… về sau lại nghiêng về thể loại sách tâm linh - khá kén độc giả. Với Trí Việt - First News, trước nay thương hiệu này luôn gắn với thể loại sách Hạt giống tâm hồn. Nhưng thời gian gần đây cũng đã nghiêng về loại sách tự truyện như Tôi học đại học của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hồi ký Tâm si-đa của Trương Thị Hồng Tâm, Không gục ngã của Nguyễn Bích Lan… đặt cạnh các quyển cùng thể loại nổi tiếng của Fidel Castro, của Nick Vujicic - chàng trai không chân tay…
Theo Song Phạm - Phúc Nguyễn (SGGPO)