Khai thác, chế biến đá làm khổ người dân
Do Công ty TNHH TM&DV Kim Khánh (gọi tắt là Công ty Kim Khánh) - chuyên khai thác, chế biến đá granite, gây ô nhiễm môi trường (đất, nguồn nước, không khí và tiếng ồn); làm ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng, nhiều người dân ở thôn Tân Sơn, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân đã gửi đơn khiếu nại đến chính quyền và ngành chức năng nhờ can thiệp. Hơn nửa năm trôi qua vụ việc vẫn không được xử lý dù UBND tỉnh đã yêu cầu kiểm tra, giải quyết.
Công ty Kim Khánh được cấp giấy phép hoạt động và tiến hành thuê đất để khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở thôn Tân Sơn, xã Ân Hảo Tây từ hơn 4 năm nay. Có mặt ở khu vực lân cận nhà máy, chúng tôi thấy phản ảnh của người dân là có cơ sở. Phải nghe tiếng mìn phá đá, tiếng động cơ nghiền đá, tiếng máy cưa đá… đinh tai nhức óc như nhiều người dân thôn Tân Sơn mới cảm nhận được nỗi bức xúc của họ. Mỏ đá của Công ty Kim Khánh không được trang bị đầy đủ các hệ thống, thiết bị xử lý môi trường nên không kiểm soát được nước thải rò rỉ ra môi trường, không có máy hút bụi, hệ thống phun nước giảm bụi; đã vậy hằng ngày có hàng chục lượt xe chở đá của Công ty chạy ầm ầm trên đường, rơi vãi đất, đá khiến bụi bay mịt mù, tấp vào nhà dân.
Theo người dân, từ ngày bắt đầu hoạt động đến nay, nhà máy đem đến cho người dân quá nhiều thiệt hại: môi trường ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt của gần 100 hộ dân lân cận bị hỏng, khoảng 2,5 ha ruộng lúa, hoa màu của nhiều hộ dân bị suy giảm năng suất.
Anh Nguyễn Văn Giới, một hộ dân sống cạnh nhà máy của Công ty Kim Khánh, bức xúc: “Cái Công ty này chưa đem lại cho chúng tôi điều gì tốt đẹp, khói bụi mù mịt, cây cối ruộng vườn còi cọc, hoang hóa, ồn ào cả ngày, trẻ con người già căng thẳng… Không những vậy, họ còn ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường, dựng lều trại làm nơi chẻ đá xây dựng. Nguy cơ tai nạn giao thông lù lù ra đó đấy chứ”.
Ông Võ Lưu Truyền, Thôn trưởng thôn Tân Sơn, cho biết: Trước khi tiến hành hoạt động khai thác, chế biến đá granite tại địa phương, đại diện của Công ty Kim Khánh có tổ chức họp dân và hứa sẽ đảm bảo môi trường cho người dân sống xung quanh. Vậy mà, thực tế thì ngược lại. Ban thôn đã nhiều lần kiến nghị với phía Công ty và chính quyền địa phương về việc gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn và nguồn nước sinh hoạt, nhưng vụ việc vẫn tồn tại lâu nay.
Tiếp nhận phản ánh của người dân, ngày 7.10.2013, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện Hoài Ân kiểm tra, giải quyết, báo cáo kết quả. Tiếp đến ngày 18.12.2013, Chủ tịch UBND tỉnh lại ban hành văn bản số 5322/UBND-TD yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo trên. Đến ngày 20.1.2014, Phòng TNMT huyện Hoài Ân kết hợp cùng các cơ quan chức năng huyện mới kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất, khai thác, chế biến đá. Tuy nhiên do không đủ trang thiết bị máy móc kiểm tra, đánh giá mức độ gây ô nhiễm, nên huyện đã gửi văn bản đề nghị Sở TNMT và ngành chức năng tiến hành lấy mẫu, phân tích, đánh giá.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Đình Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TNMT), cho biết: “Chi cục Bảo vệ môi trường đã lấy mẫu và phân tích để đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của Công ty Kim Khánh. Ngày 10.2, chúng tôi đã thông báo kết quả chi tiết để UBND huyện Hoài Ân giải quyết vụ việc”.
Được biết, kết quả phân tích mà Chi cục Bảo vệ môi trường cung cấp cho huyện Hoài Ân cho thấy, hầu hết các chỉ số đều vượt mức cho phép, thậm chí vượt nhiều lần. Nhưng, đến ngày 27.3, huyện Hoài Ân và Công ty Kim Khánh vẫn chưa hề có động tĩnh gì để xử lý, khắc phục hậu quả do quá trình khai thác, chế biến đá granite gây ra.
Người dân thôn Tân Sơn đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý rốt ráo vụ việc nhằm ổn định đời sống của người dân nơi đây.
Kết quả đo đạc, phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, Công ty Kim Khánh đã có một số vi phạm, như: Chỉ tiêu bụi tổng của mẫu không khí xung quanh vượt 2,49 lần so với quy định; chỉ tiêu độ đục, chỉ tiêu chất rắn lơ lửng của chất lượng nước thải vượt lần lượt là từ 1,4 - 5,01 lần và từ 4,49 - 9,65 lần so với quy chuẩn cho phép; chỉ tiêu Colifrom của chất lượng nước ngầm vượt 1,33 lần so với chuẩn cho phép.
PHÚC LỘC