Ghế theo người ra chợ
Do công việc không cần thiết phải ra ngoài mỗi ngày, nên vợ chồng tôi thường xuyên ăn sáng và uống cà phê ở nhà, từ nhiều năm nay. Vừa sạch sẽ, thoải mái vừa đỡ tốn tiền. Được nhâm nhi một ly đen pha theo ý mình trong khi nghe nhạc hoặc chuyện trò với nhau, đã là một thói quen đem lại cho chúng tôi sự nhẹ nhõm.
Tôi chọn hướng trông ra phố và bởi đó, có thể thu nhận trọn vẹn trong tầm mắt mình hết thảy những gì đang diễn ra nơi khúc đường này. Luôn là một cảm giác thích thú, khi được chăm chú ngắm nhìn và đăm đắm dõi theo một ai đó hoặc một cảnh tượng nào đó. Con phố vào khoảng đầu ngày, có vẻ đỡ hỗn tạp và nhếch nhác hơn rất nhiều. Và tôi đã kịp thấy và giữ lại một hình ảnh rất đẹp, trong rất nhiều những buổi mai như vậy. Đó là, một người đàn ông khoảng trên dưới tuổi bảy mươi đi xe đạp và chở phía sau một cái ghế nhựa có lưng dựa màu xanh. Ông ta luôn xuất hiện và đi ngang ngôi nhà của chúng tôi vào khoảng 7 giờ với đích đến là chợ.
Người vợ thường phải đến sớm hơn, khi tôi vừa mở cửa nhà và đang quét sân hoặc tưới cây. Tiếng bánh xe chạm và lướt trên đường, nhanh nhẹn và mạnh mẽ, cho biết người đẩy không thể là vợ chồng nhà họ. Mà có thế thật! Bà chỉ việc theo sau cái ba gác chất đầy trái cây do người con trai đẩy, cùng con dọn hàng rồi ngồi bán cho đến quá nửa buổi trưa. Ông và bà và những buổi mai, ghế theo người ra chợ đã khiến cho những ca khúc mà chúng tôi còn được nghe chung với nhau, như hay thêm rất nhiều lần. Giả như bài: “You needed me” được Anna Murray hát.
Tôi có biết họ từ khi dọn nhà về khu vực này, cách đây đã mười hai năm. Bà, ngày ấy không mập mạp nặng nề như bây giờ và chắc thế, không cần một chiếc ghế có lưng tựa hẳn hoi. Bà ngồi gọn lỏn trên một cái đòn thấp và tay táy bán, mua. Tôi làm quen với bà rất dễ và gần gụi ngay sau đó, nhờ những hôm ghé hàng mua hoa quả. Còn ông, cứ phải đợi mãi… Cũng may, có một sáng cái ghế ông chở bị rớt ngay phía trước nhà. Ông cám ơn khi thấy tôi chạy vội ra, nhặt lên và cột lại. Tôi không nghĩ bà đòi hỏi ông phải đem ghế ra chợ cho mình, mỗi ngày. Và ông? Đâu nhất thiết phải chở ghế theo cách ấy. Có lần tôi hỏi thì được bà trả lời, là: “Úy! Ổng rảnh quá! Sinh chuyện…” trong khi mắt người phụ nữ này sáng ngời, lấp lánh bao niềm hạnh phúc. Còn ông? Cười rất tươi rồi mới nhẩn nha: “Thì ở không. Bày đặt chút mà…” Lạ thật! Chẳng ai trong số… cả hai, có ý định nịnh nọt hay kể công xá với nhau qua những việc làm như vậy. Cứ tửng tửng và trớt quớt vầy à! Tôi cũng đã được chứng kiến đến mấy lần vợ chồng nhà này được người chê, kẻ khen về chuyện chở ghế ra chợ. Họ cũng chỉ cười cười. Cứ như không và thứ “như không” này mình muốn học theo, chắc đuối.
Theo thời gian ông già hơn và bà, mệt mỏi hơn theo sự liên tục thay thế… ghế: mới rồi cũ, cũ rồi hư. Lại thêm một cái mới nhưng vẫn chỉ duy nhất màu xanh. Một sắc màu làm cho những buổi mai trong tôi chợt tươi tắn. Đã hằng bao năm rồi nhỉ? Ngang qua ngôi nhà tôi, hình ảnh người và ghế thong dong đến chợ, những ngày trời nắng ráo khô hanh. Và trời mưa, ghế được người bọc trùm trong một cái áo cánh dơi cùng che chung. Nhưng có vẻ cả người cả ghế đều thắc thẻo buồn qua vòng xe, ông đạp lụt chậm và như thể khó khăn hơn, khi băng qua từng vũng nước trên đường. Và bà, nghe chừng đuối hơi khi lẽo đẽo theo sau xe trái cây, con đẩy?
Và mưa gió rồi cái rét căm, ẩm lạnh của tiết đông cũng qua. Mùa xuân đã trở lại đem theo sự ấm áp và tươi tắn. Nắng dịu nhẹ trong những buổi mai khi ghế lại được cùng ông, thư thái và thong dong ra chợ. Cho những hình ảnh rất đẹp về tình gia đình, mẹ con, chồng vợ làm chật căng hồn mình trong khúc nhạc đời cất lên rộn rã.
NGUYỄN MỸ NỮ