Mối lo dịch cúm từ chim!
Theo Bộ Y tế, cúm A/H7N9 là chủng mới, nguồn gốc gien từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người và tỉ lệ tử vong cao
Ngày 10-4, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người.
Chưa có vắc-xin đặc hiệu
Bộ Y tế khẳng định cúm A/H7N9 là chủng mới, nguồn gốc gien từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng và tỉ lệ tử vong cao.
Theo Bộ Y tế, ca bệnh nghi ngờ các trường hợp tiếp xúc với gia cầm, chim bị bệnh, chết; tiếp xúc gần với ca nghi ngờ hoặc ca bệnh nhiễm virus cúm A/H7N9. Bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như ho, sốt khó thở, tổn thương phổi tiến triển nhanh không tìm thấy do các căn nguyên khác gây viêm phổi. Bệnh nhân cần được sử dụng thuốc kháng virus Oseltamivir hoặc Zanamivir càng sớm càng tốt. Bệnh nhân có thể diễn biến nặng: suy hô hấp, suy đa tạng. Chỉ được xuất viện sau 3-5 ngày khi toàn trạng tốt. Lưu ý, sau xuất viện, bệnh nhân cần tự tiếp tục theo dõi thân nhiệt 12 giờ/lần. “Nếu nhiệt độ hơn 38oC trong 2 lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì cần tái khám ngay” - Bộ Y tế cảnh báo.
Hiện nay, chưa có vắc-xin đặc hiệu với virus cúm A/H7N9 dùng cho người nên Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 gồm: Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm chưa được kiểm dịch đúng quy định; che miệng, mũi khi ho, hắt xì hơi, xì mũi bằng khăn giấy hoặc vệ sinh tay; sử dụng phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc gia cầm; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp cấp.
Thường xuyên biến đổi cấu trúc gien
Quản chặt khu vực biên giới
Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) vừa có công văn gửi các cơ quan thú y vùng, chi cục kiểm dịch động vật vùng và chi cục thú y các địa phương yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 và ngăn ngừa virus H7N9 vào Việt Nam.
Theo đó, các cơ quan thú y vùng, đặc biệt là khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc tiến hành lấy mẫu và tổ chức xét nghiệm virus cúm A/H5N1, đồng thời gửi tất cả các mẫu bệnh phẩm dương tính về Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm nhằm xác định virus cúm A/H7N9.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cũng đã giao Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương là đầu mối chính để thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm, gửi mẫu chủng virus cúm A/H7N9 ra nước ngoài để phân tích chuyên sâu.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, sự xuất hiện trở lại của virus cúm A/H5N1 trên người và gia cầm càng làm tăng nguy cơ virus cúm tái tổ hợp bùng phát lây lan cho người.
GS-TS Lê Đăng Hà, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh cúm A/H7N9 đang có các biểu hiện giống cúm A/H5N1. Tất cả các loài lông vũ đều có nguy cơ nhiễm cúm A, gây nhiều triệu chứng và mức độ khác nhau, từ nặng đến nhẹ. Virus cúm A có một số phân loài lây nhiễm từ gia cầm sang người. Đặc biệt, chúng có khả năng thích nghi cao, thường xuyên biến đổi cấu trúc gien để tránh sự đề kháng của cơ thể. “Thời điểm này, sự bùng phát của cúm A/H5N1, tồn tại của cúm A/H1N1 và nguy cơ cúm A/H7N9 đe dọa xâm nhập nước ta khiến người dân phải đối mặt với những nguy hiểm về sức khỏe. Nếu cơ thể người mắc cả hai chủng virus cúm A phân loài lây bệnh cho người và gia cầm thì chúng sẽ trao đổi gien tạo ra một virus cúm mới. Virus này có đủ gien thích ứng với người, từ đó lây từ người sang người, gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong cao” - ông Hà cảnh báo.
Trong khi đó, PGS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho biết virus cúm A/H5N1 đã được tìm thấy nhiều hơn ở các loài chim, gần đây nhất là yến, bồ câu… “Đáng ngại nhất là tình trạng chim mang virus mà không có biểu hiện bệnh” - ông Huấn nói.
Chim yến chết vì nhiều nguyên nhân
Chiều cùng ngày, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận, đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch gia súc, gia cầm.
Nhiều điểm kinh doanh gia cầm trái phép
Ngày 10-4, Trạm Thú y huyện Hóc Môn - Chi cục Thú y TPHCM kết hợp đội kiểm tra liên ngành xử lý 6 trường hợp kinh doanh gia cầm không đúng quy định và 1 trường hợp giết mổ trái phép.
Trước đó, Trạm Kiểm dịch Động vật An Lạc, huyện Bình Chánh - TPHCM cũng đã kết hợp các cơ quan hữu quan kiểm tra một số phương tiện giao thông và phát hiện hơn 30.000 trứng gà, vịt, cút; hàng chục con bồ câu, gà đá… không có chứng nhận kiểm dịch.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, sau khi xảy ra sự việc hơn 4.000 con chim yến chết (chủ yếu là chim non), trong 2 ngày 9 và 10-4, tại nhà chim của Công ty CP Yến Việt chỉ có 7 con chim chết. Theo kết quả xét nghiệm mới nhất của Trung tâm Thú y vùng 6, tất cả 25 mẫu chim và 25 mẫu tổ (trong đó 15 mẫu chim, 15 mẫu tổ lấy từ nhà chim của Công ty Yến Việt; số còn lại của 2 cơ sở nuôi chim lân cận) đều âm tính với virus cúm A/H5N1.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan thú y, sở dĩ chim của Công ty Yến Việt chết nhiều là do thời tiết ở Ninh Thuận quá nóng bức, không gian nhà chim hẹp, thiếu dưỡng khí, trong lúc bầy đàn đến gần 100.000 con... Đây là những điều kiện để phát sinh bệnh cúm gia cầm ở một bộ phận chim. “Sau khi tiêu độc khử trùng liên tục trong 4 ngày qua và tăng cường thêm quạt gió, phun nước… thì số lượng chim chết hầu như không đáng kể; các mẫu xét nghiệm cũng âm tính với cúm A/H5N1” - đại diện Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết.
Ông Trần Xuân Hòa yêu cầu ngành y tế phải lập ngay danh sách những người trực tiếp làm việc tại 54 cơ sở nuôi chim ở TP Phan Rang - Tháp Chàm và 2 nhà chim ở huyện Thuận Bắc để giám sát dịch tễ chặt chẽ, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì phải kiểm tra ngay.
Theo TS Viên Quang Mai, Viện phó Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa), điều lo ngại nhất là chủng virus cúm A/H7N9. “Hiện nay, ở Khánh Hòa tuy chưa phát hiện chim yến chết vì cúm gia cầm nhưng địa phương này đang có bệnh cúm A/H5N1 ở gà, vịt. Chim yến là loài có sức đề kháng rất tốt nên rất khó lây bệnh. Tuy nhiên, đây là loài chim có đường bay kiếm ăn dài hàng trăm km nên khi đã mắc bệnh thì nguy cơ mang mầm bệnh đi rất xa. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, viện cùng cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát ở các cửa khẩu và loài chim di cư để xử lý kịp thời” - ông Mai nói.
. Theo NLĐO