Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoài Sơn:
Muốn thành công trong khoa học cần có đam mê và quyết tâm
Phong thái giản dị, gần gũi, đậm chất Bình Định, là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Hoài Sơn - Trưởng khoa Xây dựng và Cơ học ứng dụng (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Không chỉ bận rộn với công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH), với vai trò là Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Tuy Phước-Vân Canh tại TP Hồ Chí Minh, ông và các thành viên trong Hội thường xuyên có những hoạt động thiết thực hướng về quê nhà.
Nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn
Vừa bận rộn với công tác quản lý, giảng dạy, song PGS-TS Nguyễn Hoài Sơn vẫn đeo đuổi công việc NCKH. Hiện ông và các cộng sự của mình đang thực hiện đề tài NCKH “Xây dựng phần mềm thí nghiệm vật lý, hóa học bậc trung học phổ thông và trung cấp nghề” tại Bình Định.
- Xin ông cho biết về đề tài NCKH đang tiến hành tại Bình Định?
+ Vấn đề xây dựng các phòng thí nghiệm ảo chúng tôi đã xây dựng nhóm nghiên cứu và thực hiện cách đây gần 10 năm. Hiện nay đề tài “Xây dựng phần mềm thí nghiệm vật lý, hóa học bậc trung học phổ thông và trung cấp nghề” đã được tập huấn cho giáo viên các trường THPT tại Bình Định và sẽ được nghiệm thu vào tháng 4.2014. Đây là công cụ hữu ích phục vụ công tác giảng dạy, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện xây dựng các phòng thí nghiệm cho học sinh và giáo viên.
Vừa qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về nâng cấp giáo dục cho các nước nghèo và đang phát triển, chúng tôi đã được yêu cầu viết đề án xây dựng các phòng thí nghiệm ảo cho các bậc học từ phổ thông lên đại học. Qua đề án này, chúng tôi hy vọng tỉnh ta sẽ tham gia và đóng vai trò quan trọng cho sự hình thành đề án một cách hiệu quả.
- Được biết, ông là thành viên của nhóm tính toán cao cấp trong KHKT (đây là nhóm NCKH độc lập, còn gọi là GACES), PGS có thể cho biết những lĩnh vực nghiên cứu của GACES?
+ GACES là nhóm nghiên cứu tính toán cao cấp trong KHKT, tập hợp các chuyên gia đầu ngành, do tôi chủ trì. Với chúng tôi, khoa học phải gắn liền với thực tiễn, vì vậy, lĩnh vực nghiên cứu của GACES là ứng dụng phần mềm thương mại tính toán các bài toán thực tế; xây dựng mô hình toán cho các bài toán tương tác đa trường và lập chương trình cho các phương pháp tính toán số; xác định, kiểm nghiệm ứng xử các kết cấu thực tế; phân tích lan truyền vết nứt trong kết cấu; phát triển các loại vật liệu và kết cấu đáp ứng yêu cầu của công nghiệp xây dựng, hàng không, cơ khí, năng lượng; thiết kế móng và kết cấu chống động đất; phân tích nguyên nhân và giải pháp chống sạt lở và xói mòn bờ sông…
- Hiện nay, vấn đề sạt lở bờ sông, các khu vực ven biển của tỉnh Bình Định chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Liệu GACES có giải pháp nào cho vấn đề này không, thưa PGS?
+ Về vấn đề chống sạt lở bờ sông và môi trường, chúng tôi đã và đang thực hiện tại An Giang, Vĩnh Long thông qua các đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Tôi nghĩ đây cũng là cơ sở giải quyết cho vấn đề của Bình Định.
Chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi đói nghèo
Sinh ra tại Phước Hòa (huyện Tuy Phước), từ một học trò nghèo đến một giảng viên đại học là một hành trình dài đầy nỗ lực của PGS-TS Nguyễn Hoài Sơn. Hiện nay, ngoài công tác quản lý, giảng dạy, ông vẫn không ngừng tìm tòi NCKH. Với ông, thành công trong NCKH chỉ có thể đạt được bằng niềm đam mê và ý chí quyết tâm.
PGS-TS Nguyễn Hoài Sơn sinh năm 1955, học phổ thông tại Quy Nhơn. Năm 1974-1979 học ngành vật lý tại trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1979 làm cán bộ giảng dạy Trường ĐHSPKT TP Hồ Chí Minh. Năm 1996-1997 thực tập sinh về tính toán cơ học tương tác đa trường tại Đại học AIX- Marseille (Cộng hòa Pháp). Năm 1999-2004 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ứng dụng tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ). Năm 2009 nhận chức danh PGS. Ông đã xuất bản 5 tập sách phục vụ giảng dạy và tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, và cùng các cộng sự cho ra đời 3 phần mềm về phương pháp tính toán số cho bài toán KHKT; SAFEM trong tính toán kết cấu và phần mềm phòng thí nghiệm ảo cơ học và xây dựng bậc đại học SEMLAB.
- Vừa làm quản lý, giảng dạy, vừa NCKH, ông đã làm như thế nào để cân bằng 2 nhiệm vụ này?
+ Làm quản lý một khoa chính ở một trường đại học có gần 2.000 sinh viên là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tôi phải ưu tiên thời gian cho việc điều hành khoa, tập trung suy nghĩ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cán bộ công chức… Tuy vậy, tôi vẫn dành ra một quỹ thời gian nhất định để theo đuổi những ước mơ NCKH của mình. Mặt khác, ngày nay không ai làm khoa học một mình. Những nghiên cứu sinh do tôi hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hay đang tiếp tục làm luận án là những nhà khoa học say mê nghiên cứu. Và họ cũng là những bạn đồng hành cùng tôi tiếp tục thực hiện những mục tiêu NCKH.
- PGS có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường NCKH?
+ Những gì tôi đạt được ngày hôm nay với 30 năm nỗ lực không ngừng, song cũng còn rất khiêm tốn. Trong quá trình phấn đấu gian nan của mình, tôi nghiệm ra được rằng, thành công về khoa học chỉ đến với những người có lòng đam mê và ý chí quyết tâm. Tôi đã hướng dẫn hơn 30 học viên cao học và 5 tiến sĩ. Trong đó có một số người gốc Bình Định và nhiều em đã trở thành đồng nghiệp của tôi.
Tôi nghĩ, các bạn trẻ cần xác định cho mình một hướng đi và kiên trì theo đuổi thì chắc chắn sẽ đạt được thành công hơn thế hệ chúng tôi. Muốn thoát khỏi đói nghèo chỉ có con đường học vấn, mà phải học thật giỏi, học thành người có ích. Hãy nỗ lực hết mình, cần lao động để thấy giá trị sống và cống hiến của mình có ích cho xã hội…
Tôi luôn hướng về quê hương Bình Định
Là thành viên của Hội đồng hương Bình Định và Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương huyện Tuy Phước-Vân Canh, PGS-TS Nguyễn Hoài Sơn và các thành viên trong Hội đồng hương luôn hướng về quê hương với nhiều hoạt động thiết thực.
- Theo ông, tỉnh nhà nên phát huy những thế mạnh gì để phát triển kinh tế?
+ Tôi thường xuyên về quê gặp gỡ bạn bè và đôi lần gặp lãnh đạo tỉnh với nhiều tâm sự thẳng thắn vì sự phồn vinh và phát triển quê nhà. Tôi làm công tác khoa học nên hạn chế khi phân tích về lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế cũng là một khoa học nên muốn phát triển cũng phải có mục tiêu, định hướng chiến lược, giải pháp phù hợp, kế hoạch thực hiện đúng đắn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong những năm qua Bình Định có nhiều khởi sắc, song chúng ta cần chuẩn bị nguồn nhân lực xứng tầm, chuyên nghiệp, và cần cơ chế, chính sách hợp lý tuyển chọn người tài, cởi mở với nhà đầu tư chiến lược.
- Ông có thể cho biết những hoạt động hướng về quê nhà của Hội đồng hương Tuy Phước-Vân Canh?
+ Làng quê tôi nghèo khó và tuổi thơ tôi gắn liền với đồng ruộng. Tôi nhớ nhất là hình ảnh mẹ tôi tảo tần buôn bán. Do đó, ở cương vị nào tôi cũng đều hướng về quê cha đất tổ, cũng làm việc chăm chỉ, cống hiến cho xã hội và hướng về cội nguồn.
Về Hội đồng hương, mục tiêu của Hội là kết nối tấm lòng, chia sẻ và hợp tác trên cơ sở tình cảm hướng về quê nhà. Hàng năm, Hội đều tổ chức họp mặt, qua đó có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, như trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi; hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ phát triển giáo dục, tạo việc làm cho đồng hương và học sinh, sinh viên xa xứ cùng nhiều hoạt động phong trào khác. Chúng tôi mong rằng Hội sẽ càng lớn mạnh hơn và có những hoạt động thiết thực, hiệu quả để có thể giúp đỡ quê hương nhiều hơn nữa.
- Xin cảm ơn PGS, chúc ông cùng gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
MAI HỒNG (Thực hiện)