Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Chương II của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) thành Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và đặt trang trọng sau Chương I - Chế độ chính trị. Đồng thời, chuyển các quy định liên quan đến quyền con người (QCN), quyền công dân (QCD) tại các chương khác của Hiến pháp 1992 về Chương này. Sự thay đổi về tên gọi và bố cục này nhằm khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của QCN, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền cơ bản của công dân. So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp mới có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Điều 14 Hiến pháp khẳng định “Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các QCN, QCD về chính trị, xã hội, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận QCN, QCD trong Hiến pháp. Bởi vì Hiến pháp 1992 chỉ ghi nhận QCN về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa xã hội được thể hiện trong QCD (Điều 50). Hiến pháp cũng đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, QCN, QCD chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc hạn chế QCN, QCD không thể tùy tiện mà phải tuân theo quy định của pháp luật. Hiến pháp khẳng định QCD không tách rời với nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện QCN, QCD không được vi phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 15).
Đặc biệt Hiến pháp bổ sung một số quyền mới là quyền sống (Điều 19), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21), quyền được đảm bảo an sinh xã hội (Điều 34), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41), quyền xác định dân tộc (Điều 42), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43),…Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thể hiện sự nhận thức ngày càng rõ hơn về QCN và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện QCN.
Hiến pháp có sự đổi mới quan trọng theo hướng ghi nhận mọi người có quyền, công dân có quyền; QCN là quyền tự nhiên, bất cứ ai cũng có quyền đó; QCD là quyền của những công dân có quốc tịch Việt Nam. Do vậy, Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) được nhiều đoàn tham gia hội nghị chia sẻ và đánh giá là “một tuyên bố chân thực về cam kết tôn trọng QCN”; điểm nổi bật nhất là Việt Nam đã hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý, chế độ, cơ chế và chính sách liên quan đến việc thúc đẩy bảo vệ QCN. Ông Andre Sauvageot, một cựu binh Mỹ, là người am hiểu tình hình thực tế Việt Nam trong trao đổi với phóng viên báo Quân đội Nhân dân cho rằng nỗ lực cải thiện vấn đề QCN cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của Đảng Cộng sản Việt Nam rất đáng khâm phục; Việt Nam đã chú trọng tới chính sách cải thiện đời sống, thu nhập của người dân, bảo đảm bình đẳng giới, phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cũng theo ông, đại đa số người dân Mỹ không tin vào những lời xuyên tạc về Việt Nam của các thành phần “quá khích”.
TRUNG NGÔN