Thiếu tá Huỳnh Thị Bích Liên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh:
Dùng hộ khẩu “nhờ” là phạm luật
Lâu nay, nhiều chủ hộ dễ dãi cho người khác đăng ký (ĐK) “nhờ”vào hộ nhà mình nhưng không biết đã vi phạm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (gọi chung là Luật cư trú đã được sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2014. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn thiếu tá Huỳnh Thị Bích Liên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an (CA) tỉnh.
Thiếu tá Huỳnh Thị Bích Liên
* Xin thiếu tá cho biết việc “giả mạo” điều kiện cư trú được quy định ra sao?
- Luật cư trú đã được sửa đổi, bổ sung đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: giả mạo điều kiện để được ĐK thường trú; giải quyết cho ĐK cư trú khi biết rõ người được cấp ĐK cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác ĐK cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người ĐK cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó. Vì vậy, việc “giả mạo” điều kiện để được ĐK thường trú ở đây được hiểu là cá nhân nào đó đưa ra thông tin, tài liệu không thực, giả dối để đánh lừa cơ quan CA có thẩm quyền ĐK cư trú để được ĐK thường trú.
Ví dụ, công dân A có hộ khẩu ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đã nhờ công dân B có hộ khẩu ở phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) đồng ý cho gia đình công dân A ĐK thường trú vào hộ của công dân B để cho con đủ điều kiện đi học tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, nhưng trên thực tế, gia đình công dân A vẫn sinh sống tại phường Nhơn Bình. Như vậy, căn cứ vào Điều 8 Luật đã được sửa đổi, bổ sung thì công dân A đã vi phạm khoản 8 vì có hành vi “giả mạo điều kiện để được ĐK thường trú” (điều kiện ở đây là chỗ ở hợp pháp mà công dân A thường xuyên sinh sống); công dân B vi phạm khoản 11 vì có hành vi “đồng ý cho người khác ĐK cư trú vào chỗ ở của mình nhưng trong thực tế người ĐK cư trú không sinh sống tại chỗ ở của mình”.
* Vậy còn tình trạng vi phạm Luật cư trú trên địa bàn tỉnh ta ?
- Tình trạng vi phạm Luật cư trú trên địa bàn tỉnh ta hiện nay diễn ra chủ yếu ở những hành vi, như: Công dân cư trú tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn (không thuộc trường hợp ĐK thường trú tại địa phương đó) nhưng không ĐK tạm trú hoặc không thông báo lưu trú với CA xã, phường, thị trấn. Nhiều công dân vì muốn con được học ở một số trường “điểm” nên đã “chạy” hộ khẩu vào địa chỉ phù hợp. Hay, “nhờ” sổ hộ khẩu của người khác làm chứng minh nhân dân (CMND) để làm hồ sơ xin việc hoặc làm hộ chiếu để xuất khẩu lao động hoặc làm các loại giấy tờ tuyển dụng khác có liên quan…
Theo thống kê, trong năm 2013, CA tỉnh Bình Định đã kiểm tra 811 trường hợp trên lĩnh vực quản lý cư trú, đã phát hiện 259 trường hợp vi phạm; trong đó, cảnh cáo 70 trường hợp và phạt hành chính 189 trường hợp.
Đơn cử trường hợp Lê Thị Tình (SN 1984) có hộ khẩu thường trú tại 7/22 Đông An, phường Năng Tĩnh, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Tháng 11.2013, chị Lê Thị Tình về ở với cha mẹ tại thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ). Để có giấy CMND làm hồ sơ xin việc làm nhưng không có hộ khẩu thường trú nên chị Tình lấy sổ hộ khẩu gia đình khai man tên em ruột là Lê Thị Thủy (SN 1985) để làm CMND.
Hay trường hợp Huỳnh Thanh Tuyền (SN 1993) trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có em chồng là Lê Thị Mãnh (SN 1991, hộ khẩu thường trú ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn). Để đủ tuổi xin việc, Tuyền mượn sổ hộ khẩu lấy tên Lê Thị Mãnh để làm CMND. Các trường hợp trên đều bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Chưa nói, có nhiều tỉnh, thành đã xảy ra nhiều trường hợp giả mạo điều kiện để được ĐK thường trú, nhằm trốn lệnh truy nã, phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội … mang lại những hậu quả đau lòng.
* Riêng đối với việc thay đổi chỗ ở thì trong thời hạn bao lâu người dân phải thực hiện việc ĐK, thưa thiếu tá?
Nếu công dân đã ĐK thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện ĐK thường trú thì trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi ĐK thường trú. Đối với công dân đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được ĐK thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải ĐK tạm trú tại CA xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, công dân (từ đủ 14 tuổi trở lên) ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn, ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải ĐK tạm trú thì phải thông báo lưu trú với CA xã, phường, thị trấn sở tại. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau.
Việc Luật cư trú đã được sửa đổi, bổ sung đã bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cộng đồng và xã hội, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
* Xin cảm ơn thiếu tá!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)
Gia đình em ruột tôi sống và có hộ khẩu thường trú với với gia đình tôi từ sau ngày giải phóng (phường Trần Phú Tp Quy Nhơn) đến 1996 Gia đình em tôi mua nhà ở riêng ( phường Lê Lợi Tp Quy Nhơn ) nhưng đến nay vẫn chưa chuyển hộ khẩu về nơi ở mới. Vậy có phạm luật cư trú không? xử lý thế nào? cá nhân và cơ quan nào chịu trách nhiệm ?