Ung thư vú: Phát hiện sớm sẽ điều trị hiệu quả
Ung thư vú (UTV) là một trong những loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ các nước Âu - Mỹ. Năm 2010, tỉ lệ mới mắc UTV ở phụ nữ Việt Nam là 29,9/100.000 dân.
Năm 2001, bệnh nhân T.T.Q, 67 tuổi, ở phường Nguyễn Căn Cừ, TP Quy Nhơn phát hiện khối u nhỏ ở vú bên trái. Bệnh nhân đến khám tại BVĐK tỉnh, được chẩn đoán ung thư vú. Bà được phẫu thuật cắt toàn bộ vú và nạo hạch nách bên trái. Sau đó, tiếp tục dùng thuốc kháng estrogen tamoxifen hằng ngày liên tục trong 5 năm và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Hiện tại, sức khỏe của bà tốt, không có biểu hiện tái phát hoặc di căn.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, trong năm 2012, có 353 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị UTV. Nhưng chỉ trong 11 tháng đầu năm 2013, con số này đã lên đến 365 lượt.
UTV do nhiều yếu tố, bao gồm hormone và môi trường. Khoảng 5-10% UTV có yếu tố gia đình và di truyền mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2. Càng lớn tuổi nguy cơ mắc UTV càng cao, trung bình từ 40-50 tuổi. Những phụ nữ có mẹ, chị, em gái, con gái mắc UTV thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Phụ nữ có kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh trễ (sau 55 tuổi); sau tuổi 30 mới có con đầu lòng hoặc chưa có con… cũng có nguy cơ cao. Ăn nhiều mỡ động vật và uống nhiều rượu làm gia tăng nguy cơ bị UTV…
UTV có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Để phát hiện sớm UTV, người bệnh nên tự khám vú định kỳ. Phương pháp tự khám vú được khuyến cáo tiến hành hằng tháng sau sạch kinh 5 ngày đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, nếu thấy có khối u, hạch hoặc mảng cứng bất thường nên tới cơ sở chuyên khoa để khám. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám 1 năm/lần. Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện được các tổn thương bất thường ở tuyến vú, được khuyến cáo thực hiện 1 năm/lần cho những phụ nữ trên 40 tuổi.
Dấu hiệu thường thấy của UTV là khối u nhỏ ở vú, không đau. U có mật độ chắc, ranh giới không rõ, đôi khi gây đau. Da vùng vú dày lên, co kéo hoặc giống da cam. Núm vú bị tuột vào trong. Tiết dịch núm vú một bên, thường hay gặp là dịch máu. Giai đoạn muộn khối u lớn dính cơ ngực, dính da, lở loét hoặc biểu hiện như viêm. Hạch vùng, hạch nách cùng bên thường cứng chắc, có thể di động hoặc cố định. Khi người bệnh phát hiện muộn có thể xuất hiện triệu chứng di căn xa.
BVĐK tỉnh đã áp dụng được tất cả các phương pháp điều trị, bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết và điều trị đích. Việc theo dõi sau điều trị là rất quan trọng. Theo dõi có thể giúp đánh giá hiệu quả điều trị, phát hiện và đánh giá mức độ của tác dụng phụ. Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân cần được khám định kỳ 3-6 tháng trong 3 năm đầu, 6-12 tháng trong 2 năm kế tiếp, sau đó 1 năm/lần.
Để phòng ngừa UTV cần duy trì cân nặng hợp lý. Một số rau quả phòng bệnh tốt là bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, cam quýt… Hạn chế dùng thực phẩm có chứa nhiều omega 6, chất béo bão hòa… Hạn chế uống rượu. Tập thể dục thường xuyên. Tự khám vú định kỳ hoặc đến cơ sở chuyên khoa để khám khi có bất cứ bất thường nào trong vú.
Những phụ nữ có tiền sử gia đình có nguy cơ bị UTV cao, đặc biệt là có đột biến gen BRCA1 và BRCA2 nên chụp nhũ ảnh từ năm 25 tuổi, hoặc chụp sớm hơn 5 năm so với tuổi sớm nhất mà thành viên trong gia đình bị mắc bệnh.
BS NGUYỄN MINH TRÍ