Bất an từ các sân trượt patin
Hiện nay, trượt patin đang được các bạn trẻ, nhất là lứa tuổi từ 10 đến 16 yêu thích nên các sân trượt phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì các sân trượt patin đều chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và các thiết bị bảo hộ cho người tập nên nảy sinh nhiều nỗi lo về sự cố chấn thương, tai nạn có thể xảy ra.
Với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng cho mỗi giờ chơi, các sân trượt patin trở thành nơi thu hút, tập trung của nhiều bạn trẻ. Theo những người trượt patin thành thạo, để làm quen với môn thể thao này, người tập phải qua các bước cơ bản, như: Giữ thăng bằng trên giày trượt, giữ tốc độ khi di chuyển, phối hợp nhịp nhàng các bộ phận của cơ thể,…và phải luyện tập thường xuyên, mất nhiều công. Đặc biệt, tập patin nên có người huấn luyện.
Hầu hết các sân trượt đều không có người huấn luyện và các trang thiết bị để bảo vệ người tập.
- Trong ảnh: Một sân trượt patin nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Quy Nhơn.
Thế nhưng, phong trào trượt patin này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự cố chấn thương, tai nạn trong khi luyện tập, biểu diễn. Nhiều cơ sở chỉ chăm lo đầu tư vào giày trượt mà ít quan tâm đến chất lượng mặt sân, cách bố trí chướng ngại vật chưa hợp lý trên sân. Các trang thiết bị bắt buộc để bảo vệ người tập như tấm lót khuỷu tay, tấm lót đầu gối, mũ bảo hộ… hầu như không có. Chưa kể, tại các vùng nông thôn, sân trượt patin được xây dựng rất tạm bợ, diện tích nhỏ, mặt sân lồi lõm, giày trượt được chủ cơ sở mua giá rẻ từ các đại lý giày cũ, chất lượng thấp.
Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư số 16/2012/TT-BVHTTDL hướng dẫn, quy định cụ thể về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động kinh doanh patin. Theo đó, các cơ sở hoạt động phải có giấy phép kinh doanh; sân tập luyện patin có diện tích 300m2 trở lên, mặt sân bằng phẳng, không trơn trợt; âm thanh, tiếng ồn đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bố trí trang thiết bị cho người tập như tấm lót khuỷu tay, tấm lót đầu gối, mũ đội đầu, giày trượt; người hướng dẫn chuyên môn phải đầy đủ sức khỏe và hướng dẫn không quá 20 người/buổi tập…
Đáng lo nhất là nhiều sân trượt patin ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, TP Quy Nhơn không có người hướng dẫn luyện tập chuyên trách. Phổ biến vẫn là người trước chỉ cho người sau vài bước cơ bản rồi ra sân tự tập luyện. Lý giải cho các vi phạm trên, hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh đều cho rằng: Chỉ có các em trượt patin thành thạo mới dám di chuyển, vượt qua chướng ngại vật, còn các em mới tập chơi thì chưa di chuyển nhiều nên ngã té rất nhẹ, không cần các thiết bị bảo vệ.
Thế nhưng, theo anh Nguyễn Quang S., nhà ở đường Hàm Nghi, TP Quy Nhơn, con trai anh học lớp 5, cách đây 4 hôm tự ý đi tập trượt patin tại một điểm trên đường Ngô Mây, bị ngã trật khớp cổ tay trái, về nhà giấu không cho cha mẹ biết. Qua hôm sau, khi cổ tay sưng to và cử động đau đến nhăn mặt, anh mới phát hiện và cu cậu thú nhận là đã ngã do tập patin. Anh S. mới truy ra trước đó khoảng mươi ngày, con của anh bị xây xát đầu gối và khuỷu tay, nhưng cu cậu lại khai do đá bóng với bạn bị té ngã (!)
Ông Nguyễn Văn Cang - Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao (Sở VH-TT&DL Bình Định), cho biết: Trước đây, các sân trượt patin đều được cấp phép và thuộc sự quản lý của các Phòng Văn hóa thông tin huyện, thành phố. Sau khi Thông tư số 16/2012/TT-BVHTTDL được ban hành và có hiệu lực năm 2013, thì Sở là cơ quan chức năng quản lý, thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh cho các chủ cơ sở thể thao tổ chức hoạt động patin. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, các Phòng Văn hóa thông tin vẫn chưa gửi đầy đủ hồ sơ trước đây về cho Sở quản lý, kiểm tra.
Một chuyến khảo sát mới đây tại huyện Hoài Ân, chúng tôi ghi nhận được: Trước Tết Nguyên đán, các “nhà đầu tư” đua nhau xây sân trượt patin. Theo ông Võ Văn Tín - Trưởng phòng VH-TT huyện Hoài Ân, việc đầu tư các sân patin ở đây chủ yếu mang tính tự phát. Nhiều người chẳng biết quy cách xây dựng, nên thích sao làm vậy. Theo quy định, chiều rộng của dốc trượt phải từ 2 m trở lên, nhưng có người chỉ xây 1,5m. Trang thiết bị phục vụ người tập thì thiếu đủ thứ. Có sân nhỏ chưa đến 50 m2 cũng đưa vào kinh doanh. Sân không đạt chuẩn, thiếu trang thiết bị bảo hộ, không có người hướng dẫn nên việc xảy ra tai nạn u đầu, mẻ trán không phải là chuyện lạ. Mới đây, T.V.T., học sinh lớp 8A1, Trường THCS Ân Thạnh bị té gãy tay trong lúc trượt patin. Ông Nguyễn Quang Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Thạnh, cho hay: “Trong các giờ chào cờ đầu tuần, chúng tôi hay nhắc nhở các em phải hết sức cẩn thận với môn trượt patin này. Tiếc rằng, các em thường tham gia trượt patin ngoài giờ đến trường, nên các thầy cô giáo cũng khó quản lý”.
Đội Kiểm tra liên ngành 814 và 178 huyện Hoài Ân phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra toàn diện 12 sân patin trên địa bàn huyện. Qua đó, đình chỉ hoạt động 5 sân không đủ điều kiện (3 sân ở Ân Hảo Đông và 2 sân ở Ân Nghĩa). Đồng thời, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, mặt bằng, kỹ thuật cho 6 sân khác ở Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Tường Tây và thị trấn Tăng Bạt Hổ. Đặc biệt, Đội Kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất UBND huyện xử phạt 7,5 triệu đồng đối với sân patin của ông Hà Sang ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Sân patin này không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, không làm hồ sơ thủ tục theo quy định.
Để môn trượt patin tiếp tục phát triển và giúp thanh thiếu niên rèn luyện thể chất, ngành chức năng cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không đạt chuẩn. Có như thế, mới tránh được những sự cố chấn thương, tai nạn đáng tiếc xảy ra.
PHÚC LỘC - VĂN TRANG