Chào mào hội tụ Quy Nhơn
Hội thi chim chào mào TP Quy Nhơn mở rộng lần thứ II vừa được tổ chức thu hút 392 “thí sinh” chim của 15 tỉnh, thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên và miền Nam. Ngay từ vòng thi đầu tiên, nhiều người xem đã hoa mắt khi một “rừng” chim chào mào đồng loạt phô diễn dáng bộ, giọng hót.
Để đảm bảo tính khách quan, chính xác, Ban tổ chức Hội thi chim chào mào TP Quy Nhơn mở rộng lần thứ II đã mời 20 nghệ nhân chơi chim chào mào giàu kinh nghiệm, có uy tín ở nhiều tỉnh, thành cùng tham gia vào ban giám khảo.
1.
Chim chào mào dự thi được chia thành nhiều bảng, thi đấu cùng lúc tại Trung tâm Hội chợ-Triển lãm tỉnh, mỗi bảng có các giám khảo được phân công theo dõi riêng. Ông Hà Tấn Khanh, hội viên CLB chào mào TP Quảng Ngãi, một giám khảo Hội thi, cho biết: “Chấm điểm chim dựa trên ba tiêu chí. Thứ nhất, chim thi đấu phải có thái độ linh hoạt, nhảy cầu, chuyền cầu, dáng đứng vươn mình, ra đuôi, ra cánh dọa đối thủ. Thứ hai, chim ra giọng đều đặn bền bỉ trong suốt quá trình thi đấu, chim hót đổ nhiều giọng, đảo giọng, luyến láy âm tiết rõ ràng, chim ra giọng quát hoặc giọng chét thị uy dọa nạt đối thủ. Thứ ba, chim dự thi có hình dáng đẹp, bóng bộ, cân đối, rắn chắc, nhanh nhẹn. Hội thi có số lượng chim rất nhiều nên mỗi giám khảo phải hết sức tập trung, có khả năng quan sát nhanh để chọn đúng chim vào vòng trong, loại ra những chim mất hình bỏ nước chơi”.
Sau 8 vòng thi đấu theo hình thức loại dần (mỗi vòng 10 phút), chỉ còn lại 20 chim chào mào lọt vào danh sách “Top 20” được nhận giải thưởng của Ban tổ chức Hội thi. Vòng thi thứ 12 diễn ra đã 12 giờ 30, nhưng rất đông người vẫn ở lại say mê theo dõi 3 chim chào mào tranh giải cao nhất. Nhiều người chơi chim ở Quy Nhơn đã hồi hộp mong cho “chim nhà” mang số báo danh 299 đoạt giải cao. Thật tiếc, do mắc lỗi “quay lưng” đến hai lần khi thi đấu với các chim khác trong vòng chung kết, chào mào 299 chỉ đoạt được giải Nhì. Chim chào mào mang số báo danh 235 của anh Trương Thanh Vũ (CLB Chim cảnh Việt Cường, TP Nha Trang) đã đoạt giải Nhất.
“Sự đón tiếp nồng nhiệt, tổ chức thi đấu bài bản, chấm điểm công bằng đã tạo điều kiện cho chim chào mào của tôi có nguồn gốc từ vùng Đồng Bò ở TP Nha Trang chiến thắng trước nhiều đối thủ cũng rất hay”, anh Trương Thanh Vũ vui vẻ cho biết.
2.
Hội thi đã đánh dấu sự phát triển vững mạnh của phong trào sinh vật cảnh TP Quy Nhơn nói chung và bộ môn chào mào nói riêng. Người chơi chim ở nhiều tỉnh, thành đã tuyển chọn những chú chim hay nhất về tham dự, tạo nên chất lượng cao cho Hội thi.
Ông VÕ VĂN NGỌC, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thi chim chào mào TP Quy Nhơn mở rộng lần thứ II.
Sau thành công của Hội thi lần đầu tiên tổ chức năm ngoái, Hội thi năm nay tiếp tục được tổ chức quy mô lớn hơn, giải thưởng giá trị cao hơn nhờ có nhiều nhà tài trợ đã ủng hộ sự mạnh dạn đứng ra tổ chức của Chi hội Chim cảnh Quang Trung (thuộc Hội Sinh vật cảnh TP Quy Nhơn). Hội thi đã tạo ra sân chơi lành mạnh nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng TP Quy nhơn (31.3.1975- 31.3.2014), giúp những hội nhóm, CLB chim chào mào trong và ngoài tỉnh có điều kiện giao lưu, gắn kết hơn. Anh Đặng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Hội chim chào mào huyện Phù Cát, cho biết: “Chúng tôi có 8 chim chào mào tham gia Hội thi. Dù tất cả đều bị loại từ vòng 4, anh em vẫn cảm thấy vui, bổ ích khi học hỏi thêm kinh nghiệm trong lần đầu tiên tham gia sân chơi có quy mô lớn, thu hút chim hay ở nhiều vùng miền”.
Bên cạnh công tác tổ chức, một trong những lý do quan trọng khiến Hội thi thu hút được người chơi chim ở nhiều tỉnh, thành tham gia còn bởi vì Bình Định là vùng đất sản sinh ra dòng chim chào mào mang nét độc đáo riêng. Tại TP Quy Nhơn hiện cũng có phong trào chơi chim chào mào phát triển mạnh trong nước. Qua hai lần Hội thi, chim chào mào của những người chơi chim ở TP Quy Nhơn hoặc một số địa phương trong tỉnh đều lọt vào vòng trong và đoạt nhiều giải cao. Ông Hà Tấn Khanh nhận xét: “Ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, dòng chim chào mào tại vùng đất Bình Định được người chơi chim đánh giá rất cao ở phong cách linh hoạt, đẹp mắt, giọng hay”.
HOÀI THU