Ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những người thủy chung
Sáng 1.4, căn phòng số 203/19 Nguyễn Trường Tộ, TP Huế nhộn nhịp hơn khi nhiều người có mặt để kỷ niệm và tưởng nhớ 13 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời.
Những người yêu mến Trịnh ngồi với nhau trong gian phòng hẹp và cùng hát cho nhau nghe những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Hết Hạ trắng lại đến Mưa hồng, Diễm xưa…
Cứ thế, dòng chảy âm nhạc Trịnh cứ lặng lẽ tuôn trào trong căn phòng ấm cúng. Căn phòng này là nơi Trịnh đã sống thời trai trẻ, một năm trước, cũng đúng vào ngày 1.4, đã ra đời cái tên Gác Trịnh, như là một địa chỉ lưu niệm của người nhạc sĩ tài hoa này.
Tại đây, ngày 31.3, triển lãm tranh với tựa đề “Dấu chân ngựa về” của họa sĩ Đặng Mậu Triết đã khai mạc. Họa sĩ Triết nói cuộc đời của Trịnh là những tháng ngày rong ruổi du ca. Trong nhiều ca khúc của ông, lúc thấp thoáng, lúc hiện rõ hình bóng con ngựa. “Một ngày đầu thu, nghe chân ngựa về chốn xa…”.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, thành viên Gác Trịnh, cho biết trong một năm hoạt động, Gác Trịnh trở thành điểm đến của công chúng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Đây cũng là nơi lưu giữ những kỷ vật quý của người nhạc sĩ tài hoa được công chúng từ khắp nơi gửi về tặng.
Nhạc Trịnh mọi lúc mọi nơi
Ở Huế có nhiều người yêu nhạc Trịnh Công Sơn như một tình yêu chung thủy. Xe kem hay kẹo kéo bán dạo trên đường phố mở nhạc Trịnh, đó là hình ảnh, có lẽ, chỉ có ở Huế.
Căn nhà nhỏ của thầy giáo Lê Trọng Cáp (số 6, kiệt 27 Nguyễn Công Trứ, TP Huế) được chủ nhân bài trí thành một không gian ngập tràn hình bóng Trịnh.
Vừa bước vào nhà, đập ngay vào mắt chúng tôi là bức chân dung Trịnh Công Sơn khổ lớn treo ở phòng khách. Hai bức ảnh của Trịnh chụp với Khánh Ly, Dao Ánh được treo bên cạnh. Trong chiếc tủ kính ở một góc tường, ông trưng bày đầy đủ các loại sách vở, tranh ảnh, đĩa nhạc liên quan đến Trịnh Công Sơn. Tất cả được trân trọng, gìn giữ như một góc kỷ niệm quý giá của gia đình mình. Chính ông cũng thừa nhận: “Tôi là một tín đồ đắm say, chung thủy với Trịnh Công Sơn. Đến chữ viết tôi cũng thích viết theo kiểu chữ phăng của ông”.
Ngay từ ngày Trịnh Công Sơn mất, ông Cáp tìm kiếm tất cả các bài báo viết về Trịnh rồi cẩn thận đóng thành những cuốn “nhật ký”. Trong từng cuốn có những bài báo đã ố vàng, nhạt mờ chữ. Có những bài còn sáng rõ, thơm mùi mực, cả những bài ông chép lại bằng tay nhưng đều được ông sắp xếp gọn gàng, phẳng phiu. Ông thổ lộ: “Với Trịnh, tôi không chỉ yêu bằng trái tim mình mà còn muốn lưu giữ cả những tình cảm của nhiều người khác dành cho Trịnh”.
Nhạc Trịnh đã thấm sâu vào con người ông giáo Cáp từ những năm trước giải phóng. Hồi đó, có nhiều đêm ông cùng bạn bè không ngủ để say sưa hát nhạc Trịnh. Ông Cáp nói điều đặc biệt của nhạc Trịnh là bất cứ không gian nào, thời gian nào, cảm xúc nào, đối tượng nào cũng đều tìm được bản nhạc phù hợp để hát.
Dự đám cưới thì ông Cáp chọn những bản nhạc tương đối vui như Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Tạ ơn. Sinh nhật thì hát Quỳnh hương, đám tang thì hát Như một lời chia tay, ngày giỗ kỵ thì hát Một cõi đi về. Sinh hoạt tập thể thì hát Nối vòng tay lớn, ngồi buồn một mình thì hát Tự tình khúc. Trưa nắng thì hát Hạ trắng, chiều mưa thì hát Mưa hồng… Ông Cáp cầm đàn lên và say sưa nhấn nhá với những ca từ mà như lời của ông là “hay dễ sợ!”.
Sau ngày Trịnh ra đi, hằng năm cứ đến ngày 1.4, ông lại mời bạn bè về nhà, quây quần nâng ly và hát với nhau những bản nhạc Trịnh. Ông Cáp giãi bày: Trịnh đã giúp ông bày tỏ những suy tư về cuộc đời. Nhất là những lúc cô đơn, buồn bã, bản nhạc Tôi ơi đừng tuyệt vọng đã giúp ông lấy lại niềm tin cuộc sống. Để đến bây giờ khi trên đầu đã hai thứ tóc ông vẫn thủy chung với Trịnh. “Ngày 1-4 nhớ đến nhà mình hát nhạc Trịnh nhé”, ông Cáp nhắc lại lời mời.
Một tình yêu bình dị
Ở một không gian khác, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Huế Trịnh cũng đang rôm rả chuẩn bị cho đêm nhạc kỷ niệm 13 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một công việc quen thuộc từ khi CLB được thành lập. Anh Phạm Anh Kiệt, người sáng lập CLB Huế Trịnh, cho biết đúng dịp kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn cách đây năm năm, những người yêu Trịnh ở Huế đã kết nối lại thành CLB Huế Trịnh. Đều đặn hằng tháng hay trong mỗi dịp kỷ niệm, các thành viên trong CLB vẫn gặp nhau để nói chuyện về âm nhạc và hát những bản nhạc bất hủ của Trịnh.
Thường địa điểm gặp mặt là ở một quán cà phê, vỉa hè hay bất kỳ chỗ nào, miễn là đủ không gian để cả nhóm đàn hát. Cũng chính sự bình dị và thân thiết đó mà CLB đã thu hút thêm nhiều công chúng yêu Trịnh tham gia. Nhiều người trong số họ hát nhạc Trịnh rất hay, nhưng cũng có người tham gia chỉ để được nghe nhạc Trịnh. Ngay cả những người ít thời gian ca hát, nếu yêu thích nhạc Trịnh vẫn có thể cùng nhau chia sẻ trên diễn đàn Facebook.
Từ khi thành lập, CLB đã tổ chức được 14 đêm nhạc về Trịnh Công Sơn. Mỗi chương trình thu hút hàng trăm người hào hứng tham gia. Anh Kiệt kể mỗi lần gặp nhau là nói chuyện về Trịnh, các thành viên thuộc lòng tiểu sử nhạc sĩ, xuất xứ của những bài hát…
Thành viên lớn tuổi nhất là ông Trương Như Thoại, 60 tuổi, với cây đàn ghita và những bản nhạc Trịnh thay cho mọi lời nói. Ông Thoại tâm tình ông hát nhạc Trịnh bằng một tình yêu bình dị, giản đơn; với cây đàn và hát từ đêm khuya tới sáng. Đến khi tham gia CLB, ông có thêm nhiều người bạn cùng niềm vui bình dị như mình. Mỗi lần gặp nhau, câu đầu tiên mà họ hát với nhau vẫn là “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”…
. Theo TIẾN LONG (TTO)