Trong tương lai, quần áo có thể làm từ… đường
Các nhà nghiên cứu của Viện công nghệ sinh học và kỹ thuật nano (IBN) (Singapore) vừa phát hiện ra một quy trình hóa học mới có thể biến đường trực tiếp thành axit adipic.
Axit adipic là một hóa chất quan trọng dùng để sản xuất sợi nylon làm quần áo và nhiều sản phẩm sử dụng hàng ngày như lông bàn chải đánh răng, thảm, dây …
Hiện nay, axit adipic được sản xuất từ hóa chất có trong dầu mỏ, thông qua quá trình ôxy hóa axit nitric. Quá trình này thải ra rất nhiều khí ôxit nitơ - tác nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành IBN, Giáo sư Jackie Y Ying cho biết: "Chúng tôi đã tìm ra một giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường biến đường thành axit adipic thông qua công nghệ chế biến có dùng chất xúc tác đã được cấp bằng sáng chế của mình".
Axit adipic sinh học có thể tổng hợp được từ axit mucic, thứ được ôxy hóa từ đường. Axit mucic cũng có thể chiết xuất từ vỏ trái cây.
Quy trình sản xuất axit adipic hiện nay phải trải qua nhiều bước nhưng hiệu quả thấp hoặc phải sử dụng khí hydro áp suất cao và axit mạnh trong điều kiện phản ứng mãnh liệt - một quy trình tốn kém và không an toàn.
IBN tuyên bố quy trình do họ phát minh ra đơn giản, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Để biến axit mucic thành axit adipic, phản ứng cần đạt được là hydrat điôxýt hóa, nghĩa là giảm khử ôxy và nước đồng thời.
Nhóm nghiên cứu của IBN phát hiện ra rằng khi kết hợp phản ứng hydrat điôxýt hóa và phản ứng chuyển nhượng hyđrô cộng thêm một loại dung môi cồn trong một lò phản ứng, họ có thể thu được một lượng axit adipic lớn, hiệu quả tới 99% từ nguyên liệu đầu vào.
Hiệu quả của quy trình sản xuất axit adipic hiện nay chỉ khoảng 60%.
Quy trình do IBN phát minh là lý tưởng khi ứng dụng vào sản xuất công nghiệp vì chỉ qua 1-2 bước trong khi sản phẩm thu được là tinh khiết; điều kiện phản ứng nhẹ nhàng và an toàn.
Tố Uyên (Theo CNA)