Trả lại sự trong lành cho bãi biển Quy Nhơn
Quy Nhơn được thiên nhiên ban tặng dải bờ biển hình vòng cung tạo cảnh quan đẹp và là tiềm năng để phát triển du lịch. Thế nhưng, tình trạng tàu thuyền, ngư cụ tồn tại tràn lan trên bãi biển, gây nhiều hệ lụy cho môi trường và tác động xấu đến hình ảnh của một thành phố biển.
Bài 1: Bãi biển Quy Nhơn bị xâm hại
Thuyền, thúng, chồ, rớ… bủa vây bãi biển
Khảo sát dọc bãi biển Quy Nhơn, ven đường Xuân Diệu - An Dương Vương, chúng tôi nhẩm tính có hơn 300 chiếc tàu thuyền neo đậu (nhiều nhất là Khu Hai, phường Trần Phú và khu vực 4, phường Ghềnh Ráng); gần 30 chồ, rớ đặt ở gần bờ; hàng trăm thúng chai úp trên bãi cát và thả nổi trên mặt nước. Ngoài ra, thường ngày khoảng 5 - 7 giờ, tại Khu Hai, việc mua bán, sơ chế, ướp lạnh hải sản đều xử lý ngay tại chỗ, khiến cho bãi biển Quy Nhơn bị ô nhiễm, ruồi nhặng phát sinh, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc.
Dụng cụ nghề biển giăng tràn lan trên bãi biển (đoạn gần khách sạn Hoàng Yến).
Chưa hết, do việc có nhiều tàu thuyền sử dụng vùng bờ biển kể trên để làm nơi neo đậu, lên xuống hải sản, nhập nhiên liệu, vật dụng… nên hệ quả là hầu như các loại rác sinh hoạt, chất thải từ việc sơ chế, luộc cá đều được người dân xả thẳng xuống biển, tình trạng phơi hải sản dọc vỉa hè… khiến cho nhiều đoạn bãi biển Quy Nhơn bị bốc mùi hôi tanh. Dù hàng ngày có các đội vệ sinh thu gom dọn rác trên bãi và mặt nước biển, nhưng cũng không thể làm xuể.
Ông Phan Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Trần Phú, thở dài: “Tàu thuyền neo đậu trên biển vô tư súc rửa, thay dầu mỡ cho tàu thuyền rồi xả thẳng xuống biển. Địa phương hiện khá đau đầu trong công tác quản lý nơi neo đậu của tàu cá. Chúng tôi cũng mong UBND TP Quy Nhơn và ngành chức năng sớm triển khai công tác di dời tàu cá về điểm neo đậu tập trung, ổn định, thuận tiện, đảm bảo an toàn. Chứ với tình trạng bây giờ, chẳng bao lâu nữa biển Quy Nhơn sẽ bị ô nhiễm nặng”.
“Ma trận” lưới lồng, chà rạo ven bãi biển
Một nỗi lo khác là tình trạng ngư dân dùng lưới lồng, giăng chi chít trên mặt nước thuộc khu vực bãi biển Quy Nhơn, khiến cho hoạt động tàu thuyền trên biển của các cảng thường bị gián đoạn; bởi chân vịt tàu cá thường xuyên bị mắc, quấn vào lưới. Đáng quan ngại, nhiều ngư dân sử dụng một loại hóa chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc để giặt giũ, vệ sinh lưới lồng ngay trên bãi biển, khó lường hết sự nguy hại cho môi trường biển.
Theo ông Phan Tuấn, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, gần đây, việc ngư dân dùng lưới lồng thả ven bờ dọc tuyến đường Xuân Diệu, An Dương Vương để khai thác thủy sản đã tác động xấu đến môi trường và cảnh quan khu vực bãi biển. Dọc bãi biển khu vực kể trên hiện có khoảng 150 hộ hành nghề khai thác bằng cách sử dụng lưới lồng với số lượng khoảng 10.000 chiếc. Việc làm này không chỉ tận diệt thủy sản mà còn khiến vùng biển trở nên thiếu an toàn.
Bên cạnh đó, tình trạng thả chà rạo bắt tôm ở khu vực biển cũng góp phần làm cho bờ biển bị ô nhiễm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cá mập, cá nhám vào sát gần bờ biển, thậm chí tấn công người tắm biển thời gian qua.
Buôn bán lấn đường, nước thải xả ra biển
Theo Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn và các phường, hiện có 308 tàu thuyền của ngư dân 10 phường, gồm: Hải Cảng, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Ghềnh Ráng, Quang Trung, Đống Đa, Nhơn Bình, Thị Nại và Lê Hồng Phong đang neo đậu tại khu vực bãi biển Quy Nhơn, dọc đường Xuân Diệu - An Dương Vương cần phải di dời; trong đó, phường Trần Phú có số lượng tàu thuyền neo đậu nhiều nhất với 168 tàu với 161 hộ/810 nhân khẩu… Ngoài ra, trên bãi biển hiện có 28 chồ, rớ và gần 10.000 chiếc lưới lồng Trung Quốc giăng kín trên mặt nước với sự tham gia hành nghề của gần 150 hộ dân. Tất cả hoạt động khai thác và đánh bắt thủy hải sản này đều mang tính tự phát.
Các đường Xuân Diệu, An Dương Vương chạy dọc theo bãi biển Quy Nhơn có cảnh quan đẹp, thoáng đãng, vậy mà nhiều đoạn bị người dân lấn chiếm để bày quán nhậu, nước giải khát, khiến cho người tản bộ không còn đường để đi.
Tối 1.4, chúng tôi dạo qua cung đường này, có đến hàng trăm quán nhậu, quán giải khát lớn nhỏ mọc lên để đua nhau mời chào khách. Biết rằng, những khu phố, những tuyến đường có đông khách du lịch, khách vãn lai thì thường có nhiều hàng quán để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, do lực lượng quản lý trật tự đô thị thiếu kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm nên chưa đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị.
Một điều dị thường là tại giao lộ Hàn Mạc Tử - Lê Công Miễn - Chế Lan Viên nối dài, thuộc khu vực 3, phường Ghềnh Ráng (gần khách sạn Hoàng Gia), có điểm xả nước thải (4 miệng cống lớn) được đấu nối với đường ống dẫn nước dài gần 30 m liên tục xả thải thẳng ra biển. Ông Huỳnh Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, xác nhận: “Hệ thống nước thải từ khu vực dân cư thuộc các phường Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ chảy ra biển ảnh hưởng môi trường và tác động xấu đến sự phát triển du lịch biển của địa phương. Được biết, Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn sẽ góp phần giải quyết một số điểm xả nước thải ra bờ biển, theo tôi những cống nước còn lại cũng cần phải nhập vào hệ thống thoát nước chung và tuân thủ nghiêm ngặt việc xử lý nước trước khi xả thải ra môi trường”.
Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu
(Bài 2: Những giải pháp và ý kiến người trong cuộc)
Bãi biển Quinhon - bộ mặt tp - nhếch nhác, dơ bẩn, xấu xí... Dọn dẹp được 1 lần duy nhất lúc Festival lần 1, sau mèo lại hoàn mèo.Tại sao Nhatrang, Danang..... họ làm được, sạch sẽ, đẹp đẽ, nhìn thấy ham. Bao nhiêu năm rồi, vẫn không làm xong! Không làm được thi xuống, để bọn trẻ có nhiệt huyết hơn lên làm!! Mong nhóm PV bạn đọc quan tâm đến đề tài này, có nhiều bài và ảnh hơn đến môi trường tp!