Xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước:
Chăm sóc tốt bệnh nhân lao tại cộng đồng
Năm 2012, Dự án Phối hợp y tế công - tư trong phòng, chống lao đã triển khai tại Bình Định mô hình chăm sóc bệnh nhân lao tại cộng đồng. Mô hình này đã giúp nhiều người bệnh được tiếp cận thuốc và điều trị khỏi bệnh vì có điều kiện tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị. Phước Hiệp là một trong số các xã triển khai tốt mô hình này.
Sau tháng đầu điều trị “tấn công”, hiện bà Nguyễn Thị Khéo (ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp) đang trong giai đoạn điều trị duy trì. Mỗi tháng bà đều đặn đến nhận thuốc tại Trạm Y tế xã. Bà Khéo kể: “Khoảng 4 tháng trước, tôi bị ho dai dẳng. Đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước thì được xác định là mắc lao và được cấp thuốc điều trị. Nhà tôi ở cách Trung tâm Y tế khá xa. Thuốc trị bệnh lao được phát đến tận xã, nên tôi không phải đi xa mà vẫn có đầy đủ thuốc tiêm và uống”.
“Khi mắc lao giai đoạn điều trị tấn công, người bệnh phải đi tiêm hằng ngày, 7 tháng tiếp theo là uống thuốc duy trì. Nếu thuốc không cấp về đến xã, đến gần với nơi người bệnh sinh sống thì người bệnh rất khó có thuốc để điều trị đúng và đầy đủ”, chị Nguyễn Thị Hoa Lựu, chuyên trách lao của Trạm Y tế xã Phước Hiệp cho biết.
Xã Phước Hiệp hiện có 3 cộng tác viên phòng chống lao là chị Đoàn Thị Phải, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Mỹ Phượng. Cùng với chuyên trách lao của Trạm Y tế xã, các chị thường xuyên đến tận gia đình bệnh nhân để theo dõi, chăm sóc sức khỏe. “Bệnh nhân thường bị các phản ứng phụ như ngứa, dị ứng, sưng nề chân, có trường hợp bại tay. Chúng tôi kịp thời phát hiện để báo cho cán bộ chuyên trách có hướng dẫn cho bệnh nhân hoặc đổi thuốc, giúp họ yên tâm điều trị”, chị Nga cho hay.
Ngoài ra, các chị còn tận tình hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục đều đặn, giữ nơi ở thông thoáng, nhiều ánh nắng, cách xử lý dịch để không lây cho người thân. Với nỗ lực của cán bộ chuyên trách lao và các cộng tác viên, trong năm 2013 đã có 5 bệnh nhân ở Phước Hiệp được điều trị khỏi. Hiện tại, cả xã có 10 bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc điều trị tại nhà theo đúng phác đồ, không có ai bỏ điều trị. Việc điều trị đúng phác đồ không chỉ giúp cá nhân khỏi bệnh mà còn giúp ngăn chặn bệnh lao lây lan và đặc biệt là giảm nguy cơ gia tăng người mắc lao kháng đa thuốc.
“Từ khi triển khai chương trình chăm sóc bệnh nhân lao tại cộng đồng, hằng năm tại Phước Hiệp phát hiện thêm 20 bệnh nhân lao mới. Hiện tại, việc phát hiện bệnh nhân mắc lao mới vẫn chủ yếu trông chờ vào đội ngũ cộng tác viên của chương trình. Các cộng tác viên đi đến các thôn, các hộ gia đình, vừa theo dõi bệnh nhân điều trị vừa kết hợp tư vấn cho người dân có kiến thức tự phát hiện những biểu hiện nghi ngờ của bệnh lao”, chị Lựu chia sẻ.
THU PHƯƠNG