Cần bảo tồn các giếng Chăm cổ
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có đến hàng chục di tích giếng Chăm nhưng hầu hết đã bị xuống cấp. Hiện Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành khảo sát, chấm điểm tọa độ các giếng Chăm trong tổng thể các di tích khảo cổ học khác, để lập bản đồ số về hệ thống các di tích cần được bảo vệ. Đây là cơ sở để các địa phương có di tích giếng Chăm cổ quản lý tốt hơn các di tích này.
Giếng Chăm cổ ở Bả Canh.
1.
Bình Định - từng là nơi tọa lạc kinh đô Vijaya của vương quốc Chăm pa, hiện vẫn còn giữ lại được khá nhiều di sản vật thể của nền văn hóa này. Tại đây còn lưu giữ dấu vết của các thành cổ của Chăm pa như thành Cha, thành Hoàng Đế; 8 cụm tháp Chăm với 14 tháp, hàng chục phế tích tháp đã bị đổ; các vết tích lò nung gốm cổ Gò Sành của cư dân Chăm pa cổ; các điêu khắc bằng đá, đất nung… Ngoài ra, một loại hình di tích văn hóa vật thể cần được quan tâm bảo lưu, đó là các di tích giếng Chăm pa cổ. Đây cũng là một trong những loại hình di tích khá độc đáo của cư dân Chăm pa xưa còn tồn tại đến tận ngày nay.
2.
Giếng Chăm pa cổ thường được xây dựng theo bình đồ hình vuông, được ghép gạch đất nung hoặc đá ong cắt gọt khối hình chữ nhật xung quanh bốn mặt của giếng. Một số giếng ở dưới đáy được lót bằng các khúc gỗ lớn. Có một số lý giải cho cách làm này đã được đưa ra như: lót như vậy để tăng tính vững chắc của thành giếng, hoặc là có tác dụng lọc nước… nhưng vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng, cần được nghiên cứu thêm.
Việc chọn địa điểm để xây dựng giếng cổ của người Chăm pa cũng được đánh giá rất cao về tính khoa học và hợp lý. Hầu hết các giếng Chăm còn tồn tại cho đến nay vẫn là những giếng có nguồn nước rất dồi dào, hầu như quanh năm không cạn nước. Dân gian còn truyền tụng là nước của những giếng này rất ngọt. Ở một số nơi hiện nay, dân cư quanh giếng cổ đã cải tạo lại giếng và vẫn gánh nước từ giếng này về dùng như giếng Chăm ở thôn Tân Thành 1 (xã Tam Quan Bắc-Hoài Nhơn), giếng Chăm ở Bả Canh (Nhơn Hậu-An Nhơn), giếng Chăm ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn)…
Nhiều công trình nghiên cứu về giếng Chăm cổ đã khẳng định rằng, cư dân Chăm pa cổ là bậc thầy về chọn mạch nước ngầm để xây dựng giếng; cho nên giếng của người Chăm thường có nước quanh năm không cạn, nước giếng lại trong và ngọt. Ngay cả những địa điểm khô cằn rất khó để xác định mạch nước ngầm nhưng cư dân Chăm pa cổ vẫn xác định đúng địa điểm có mạch nước ngầm tốt nhất để xây dựng giếng. Giếng Chăm tại xã đảo Nhơn Châu là một ví dụ.
3.
Qua điều tra, khảo sát trên địa bàn tỉnh, có đến hàng chục di tích giếng Chăm nhưng hầu hết đã bị xuống cấp, do phần lớn di tích này nằm trong khu dân cư và trong nhà dân nên trong quá trình xây dựng công trình mới đã xâm hại và làm biến dạng; thậm chí một số giếng đã bị lấp đi. Cho đến nay, còn rất ít giếng Chăm được bảo tồn nguyên vẹn. Có thể kể ra một số giếng được bảo tồn khá tốt là giếng Chăm nằm trong khuôn viên chùa Thập Tháp (thị xã An Nhơn), giếng Chăm trong thành Hoàng Đế (Nhơn Hậu - An Nhơn)… Những giếng Chăm cổ này đến nay vẫn chưa thể lập hồ sơ xếp hạng di tích nên chính quyền địa phương sở tại cũng rất khó quản lý.
Để nỗ lực bảo tồn các giếng Chăm cổ, hiện Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành khảo sát, chấm điểm tọa độ các giếng cổ trong tổng thể các di tích khảo cổ học khác trên địa bàn toàn tỉnh, để lập bản đồ số về hệ thống các di tích cần được bảo vệ. Hy vọng rằng, đây sẽ là một cơ sở pháp lý để các địa phương có các di tích giếng Chăm cổ quản lý tốt hơn các di tích này. Để thế hệ mai sau còn được nhìn thấy và nghiên cứu về các di tích giếng cổ đã tồn tại hàng trăm năm của người Chăm pa xưa.
NGUYỄN VIẾT TUẤN