Tuyên truyền pháp luật cho nông dân:
Đúng đối tượng, sát thực tế
Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong những năm qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác này.
Sát thực tế
Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Hội đã chủ động khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong hội viên, từ đó tập trung vào những vấn đề nông dân quan tâm để tuyên truyền. Như hiện nay, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho một số hộ dân ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, nơi đang giải tỏa để làm QL19, Hội đã chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể khác và ngành hữu quan tổ chức tuyên truyền các vấn đề liên quan đến đền bù giải tỏa để người dân nắm rõ.
Năm 2013, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức trên 150 buổi tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ… thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, riêng Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 3 đợt, thu hút hàng trăm người tham gia.
Tại các buổi tuyên truyền, hình thức phổ biến pháp luật cũng được thay đổi theo hướng mọi người cùng tham gia tìm hiểu và trả lời. Như tại buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ được tổ chức mới đây tại huyện Phù Cát, người dân đã hỏi báo cáo viên nhiều vấn đề sát thực với đời sống của mình, như: “Tôi có xe máy màu xanh, giờ muốn sơn màu trắng có được không?”, “Đường nông thôn nhưng có nhiều xe tải chạy ngày đêm thì có vi phạm không?”, “Điều kiện nào xe máy được phép chở 3 người?”... Sự trao đổi cởi mở giữa hai bên đã tạo ra một môi trường khuyến khích việc tìm hiểu, tiếp cận thông tin pháp luật và nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Phát huy vai trò tuyên truyền viên ở cơ sở
Để tuyên truyền pháp luật, hội nông dân các địa phương cũng đã xây dựng 35 câu lạc bộ (CLB) Nông dân với pháp luật, thông qua đó giúp các thành viên hiểu sâu sắc, toàn diện hơn về các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân, từ đó bồi dưỡng họ trở thành các tuyên truyền viên ở cơ sở. Đây chính là đội ngũ “giữ lửa” cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay tại khu dân cư.
Là hội viên hội nòng cốt, thành viên CLB Nông dân với pháp luật của Hội Nông dân huyện Tây Sơn, ông Nguyễn Khánh, ở khối 1, thị trấn Phú Phong, thường được nhiều nông dân tín nhiệm “gởi gắm” những thắc mắc nhờ giải đáp, chẳng hạn như tranh chấp đất sản xuất, lối đi chung, hàng rào, thủ tục khiếu nại, tố cáo, cách giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình có liên quan đến quy định của pháp luật... Ông Khánh chia sẻ: “Nói về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật thì mình cũng không thể tường tận hết được, nhưng mình nắm bắt được vấn đề nào thì truyền đạt lại cho người cần tìm hiểu biết, nếu không giải quyết được thì mình cũng có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân các bước để được giải quyết tiếp đúng trình tự pháp lý, tránh những xung đột không đáng có”.
Còn ông Lê Thiên Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, người vừa tham gia hòa giải thành công một vụ mâu thuẫn do mua bán đất, cho biết: “Việc người dân tìm đến mình, chủ động đưa ra những thắc mắc về pháp luật chứng tỏ họ cũng muốn giải quyết vấn đề của họ theo đúng pháp luật. Người nông dân vốn chất phác nên việc hướng dẫn họ làm các thủ tục hay giải thích những thắc mắc mà họ đang gặp phải cũng cần dễ hiểu”.
Ông Đỗ Thiện Chế nói: “Bên cạnh việc xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với đối tượng được tuyên truyền, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên của cấp cơ sở, củng cố, nhân rộng mô hình CLB Nông dân với pháp luật để người dân có cơ hội tiếp thu pháp luật một cách dễ dàng và hiệu quả nhất”.
KIỀU ANH