Ghi nhận bất thường sinh sản ở huyện Phù Cát:
Mô hình cần được nhân rộng
Đề tài “Nghiên cứu thực trạng một số bất thường sinh sản (BTSS) ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thử nghiệm hệ thống ghi nhận BTSS dựa vào y tế cơ sở ” do bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Đạt - công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Định - làm chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành tỉnh xếp loại Xuất sắc. Kết quả của đề tài là cơ sở giúp tỉnh xem xét việc thiết lập một hệ thống ghi nhận thông tin về BTSS ở các địa phương trong tỉnh.
Tỉ lệ BTSS khá cao
BTSS là việc giảm cơ hội sinh ra những đứa trẻ bình thường, là tình trạng bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, trong đó dị tật bẩm sinh (DTBS), sẩy thai và thai chết lưu được chú ý nhiều nhất. Nguyên nhân dẫn đến BTSS là do di truyền, do tác động của các tác nhân vật lý, hóa học và sinh vật học.
Trong chiến tranh chống Mỹ, huyện Phù Cát có sân bay Phù Cát là nơi lưu giữ và vận chuyển chất độc hóa học chiến tranh, đồng thời cũng là vùng bị rải chất độc hóa học, các chất độc còn tồn lưu trong môi trường là một trong những yếu tố nguy cơ gây BTSS.
Nghiên cứu được thực hiện vào thời điểm tháng 1.2012 tại huyện Phù Cát, ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (tuổi từ 15 - 49) và đã từng có thai, qua điều tra 6.600 phụ nữ để thu thập thông tin về tất cả những lần mang thai của họ tính đến thời điểm cuối năm 2011. Trong số 6.600 bà mẹ được phỏng vấn, có 632 bà mẹ bị sẩy thai. Trong số 16.444 trẻ được sinh ra (qua những lần sinh của các bà mẹ được điều tra), có 301 trẻ sinh ra bị DTBS. Trong tổng số 301 trường hợp bị DTBS thì DTBS của hệ thần kinh, tâm thần chiếm 32,89%. Tỉ lệ DTBS ở hệ thống thần kinh-tâm thần khá cao, đây là một gánh nặng bệnh tật ở cộng đồng cần được quan tâm. Tiếp đến là dị tật hệ cơ xương chiếm 17,28%, cao hơn tỉ lệ các loại DTBS khác.
Bác sĩ Trương Quang Đạt cho biết: Trong điều kiện điều tra ở cộng đồng, thiếu các phương tiện thăm khám và xét nghiệm chuyên sâu, nên hầu hết các DTBS ở cơ quan bên trong hoặc bệnh tật liên quan với rối loạn chuyển hóa chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Vì vậy, những số liệu chủ yếu vẫn dựa vào các dị dạng hình thái hoặc các rối loạn chức năng thể hiện rõ ràng. Theo kết quả so sánh, tỉ lệ sẩy thai ở Phù Cát không giảm hơn sau 10 năm, và tỉ lệ này ở Phù Cát cao hơn ở Đà Nẵng và Thái Bình, những địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong chiến tranh. Có thể nói sức khỏe của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Phù Cát có vấn đề. Sẩy thai là dấu chỉ điểm trong các nghiên cứu dịch tễ học về các yếu tố độc hại của môi trường lên sức khỏe con người như: người mẹ bị phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, hút thuốc lá thụ động, nhất là yếu tố môi trường ở đây: phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh.
Cần nhân rộng mô hình
BTSS và đặc biệt là DTBS gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống, gánh nặng bệnh tật cho xã hội và gánh nặng trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ngoài việc ghi nhận được tình trạng BTSS ở huyện Phù Cát, đề tài còn được đánh giá cao ở mô hình thử nghiệm ghi nhận BTSS dựa vào y tế cơ sở.
Kết quả của đề tài cho thấy, khả năng ghi nhận BTSS ở cộng đồng dựa vào y tế cơ sở rất hiệu quả. Nguồn cung cấp thông tin từ trạm y tế cơ sở, từ phòng khám đa khoa khu vực, từ phòng khám sức khỏe sinh sản, từ khoa sản của bệnh viện cho đến người dân. Mô hình ghi nhận BTSS ở cộng đồng dựa vào y tế cơ sở đã ghi nhận được một số thông tin y tế cần thiết cho việc xây dựng kế hoạch y tế. Tỉ lệ các dạng BTSS ghi nhận được ở đề tài cũng phản ánh thực trạng BTSS ở cộng đồng. Việc tầm soát được BTSS và DTBS ở cộng đồng, làm cơ sở cho việc can thiệp sớm, khắc phục sớm BTSS và DTBS.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét, đề tài đã cung cấp bộ số liệu về tình hình BTSS ở huyện Phù Cát, là cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch can thiệp nhằm giảm tỉ lệ BTSS trong cộng đồng. Hệ thống ghi nhận BTSS dựa vào y tế cơ sở có triển vọng phát triển tại các địa phương trong tỉnh và trong nước. Mô hình này cần được nhân rộng để góp phần tầm soát được BTSS và DTBS ở cộng đồng. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống ghi nhận BTSS theo mô hình này còn nhiều vấn đề phải xem xét, nhất là việc sử dụng đội ngũ thu thập thông tin ở cơ sở như thế nào để việc thu nhận thông tin chính xác, kịp thời.
MAI HỒNG