Trồng thử nghiệm cây kim tiền thảo, giảo cổ lam ở vùng cao
Theo đề nghị của Công ty Dược-Trang thiết bị y tế (BIDIPHAR), Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đang tiến hành trồng thử nghiệm 2 loại cây thảo dược là giảo cổ lam (GCL) và kim tiền thảo (KTT). Đây là lần đầu tiên chúng được đưa vào trồng trên đất rừng Bình Định.
Tháng 9.2013, Chi cục Lâm nghiệp đưa cây GCL về trồng thử nghiệm ở các xã: An Toàn (An Lão), Canh Liên (Vân Canh), Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) là những nơi có độ cao từ 500 - 750m so với mặt biển, nhiệt độ bình quân thấp, độ ẩm cao.
Cây GCL, còn gọi là cỏ thần kỳ, ngũ diệp sâm... có tác dụng hạ mỡ máu, giảm cholesterol, ngăn xơ vữa mạch máu, bình ổn huyết áp, ngừa biến chứng tim mạch, chống lão hóa, tăng lực, tăng miễn dịch... đã được chế biến thành tân dược, trà, bán rộng rãi trên thị trường. Cây GCL được lấy từ Viện Dược liệu Trung ương về trồng dưới tán rừng với diện tích tổng cộng 0,6 ha (7.500 cây), hiện đang phát triển tốt.
Cây KTT gọi là cây mắt trâu, mắt rồng, vẩy rồng, đã được chế biến thành dược phẩm, chuyên trị một số bệnh: sỏi mật, sỏi thận, bàng quang, phù thũng, bệnh về thận, khó tiêu, lợi tiểu, tiêu viêm… Cây KKT cũng được lấy từ Viện Dược liệu Trung ương về trồng với diện tích 0,9 ha.
Ông Nguyễn Đình Lâm, công tác tại Chi cục Lâm nghiệp, cho biết: Cây KTT phù hợp với đất phù sa ven sông, đất pha cát, độ tàn che phải dưới 40%. Với mong muốn trồng KTT dưới tán rừng để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số miền núi, hạn chế được tệ nạn phá rừng làm rẫy, nên đề tài mới trồng thử nghiệm dưới tán rừng, song không phù hợp, đòi hỏi phải trồng đúng nơi thì mới phát triển. Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, cây GCL thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định, phát triển khá tốt, tỉ lệ sống trên 85%, có triển vọng trồng thương mại, tạo vùng nguyên liệu chế biến dược phẩm. Cây KTT phát triển kém hơn, cần điều chỉnh vùng trồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm để hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và đang gửi mẫu để kiểm nghiệm dược tính 2 loại cây này.
Ông Nguyễn Văn Quá, Chủ tịch HĐQT BIDIPHAR, cho biết: BIDIPHAR đang có kế hoạch sản xuất dược phẩm từ 2 loại thảo dược nói trên. Việc phát triển hai loại cây này tại các vùng núi trên địa bàn tỉnh vừa giúp công ty chủ động được nguồn dược liệu, vừa giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập. Nếu dược tính của cây KTT và GCL đạt yêu cầu, công ty sẽ đầu tư trồng với quy mô lớn, bằng công nghệ cao, để làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm.
HOÀNG LÂN