Nhà văn hóa phường, xã ở TP Quy Nhơn:
Cần quan tâm khắc phục hạn chế
Nhà văn hóa phường, xã là thiết chế văn hóa cần thiết phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí cho nhân dân. Tuy nhiên, việc xây dựng và tổ chức hoạt động của các nhà văn hóa phường, xã ở TP Quy Nhơn vẫn còn nhiều hạn chế, cần được quan tâm khắc phục.
1.
Đầu năm 2013, Nhà văn hóa phường Đống Đa (694 Trần Hưng Đạo) đã được xây dựng mới gồm 2 tầng, 6 phòng và 1 nhà đa năng có sân khấu, khán đài, sân cầu lông và bóng chuyền. Nhà Văn hóa này đã phục vụ tốt việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương. Khoảng sân khá rộng của Nhà văn hóa phường cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt hè, các trò chơi dân gian cho thanh thiếu niên trên địa bàn. Hiện tại, hàng ngày Nhà văn hóa có khá đông người đến tập dưỡng sinh, võ thuật, cầu lông. Ông Nguyễn Văn Thông, ở khu vực 6 phường Đống Đa, tâm sự: “Nhà văn hóa Đống Đa đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, thể thao của người dân qua nhiều hoạt động được tổ chức. Tôi thường xuyên đến Nhà văn hóa chơi cầu lông”.
Khi xây dựng trụ sở UBND phường Nguyễn Văn Cừ cách đây hơn 15 năm, một phần lớn diện tích đất trong khuôn viên trụ sở được quan tâm xây dựng hội trường kiêm Nhà văn hóa phường. Nhà văn hóa phường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, hội thi Tiếng hát đội viên hè, các trò chơi dân gian…Nhà văn hóa còn có tủ sách pháp luật với hơn 100 đầu sách và 25 ấn phẩm báo chí các loại để nhân dân đến tìm hiểu, học tập. Chị Trần Thị Bích Loan, cán bộ văn hóa phường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Nhà văn hóa đã phục vụ hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của cán bộ và nhân dân trong phường”.
Nhà văn hóa phường Lê Hồng Phong nằm ở mặt tiền nhưng chỉ có diện tích khoảng 100 m2 (11 A đường Nguyễn Công Trứ). Ở đây, thường xuyên diễn ra các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, sinh hoạt đoàn thể, biểu diễn văn nghệ, thi đấu cờ tướng… Do khó khăn về cơ sở vật chất, nhà văn hóa còn được tận dụng làm trụ sở khu vực 1 tầng dưới, còn tầng trên làm trụ sở khu vực 2. Trụ sở UBND phường Lê Hồng Phong có hội trường nhỏ hẹp, nên các buổi họp đông người đều diễn ra ở nhà văn hóa.
2.
Theo số liệu thống kê về thiết chế văn hóa của Sở VH-TT&DL, trên địa bàn TP Quy Nhơn mới có 13/21 xã, phường có nhà văn hóa. Hiện phần lớn các xã không có nhà văn hóa. Do không có quỹ đất quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao, nhà văn hóa của nhiều phường đều không đảm bảo về diện tích và cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, cho biết: “Trước đây, UBND phường cũng từng xin khu đất ở khu vực sân ga cũ xây dựng nhà văn hóa mới để tổ chức nhiều hoạt động tốt hơn, nhưng bị vướng vào đất quy hoạch nên không được”.
Hiện tại, TP Quy Nhơn chỉ có Nhà văn hóa phường Đống Đa, Nguyễn Văn Cừ là ít nhiều đáp ứng tiêu chuẩn nhà văn hóa về cơ sở vật chất, nhưng vẫn còn những hạn chế trong hoạt động. Nhằm đáp ứng được yêu cầu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, UBND phường Nguyễn Văn Cừ đã có tờ trình xin quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao hoạt động đa năng nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp phê duyệt. Nhà văn hóa phường Đống Đa dù có cơ sở vật chất hoành tráng nhất, nhưng do chỉ có kinh phí đầu tư sửa chữa nâng cấp từ nguồn ngân sách hạn hẹp của phường nên còn thiếu thốn trang thiết bị…
Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng Phòng VH-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “UBND TP Quy Nhơn đã nhiều lần đề nghị các cấp thẩm quyền quan tâm ưu tiên quỹ đất, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao cho thành phố và các phường, xã. Hiện tại, UBND TP Quy Nhơn đang xem xét thiết kế xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Nhơn Lý, Phước Mỹ theo quy định của Thông tư số 12/2010 của Bộ VH-TT&DL. Nhà văn hóa xã nằm trong các trung tâm văn hóa- thể thao này sẽ được đầu tư xây dựng và trang thiết bị tốt hơn”.
Xây dựng nhà văn hóa phường, xã là cần thiết, nhưng các ngành chức năng cần tổ chức khảo sát, đánh giá một cách cụ thể hiệu quả hoạt động nhà văn hóa phường, xã hiện nay. Từ đó, có những đề xuất phù hợp về đầu tư xây dựng nhà văn hóa một cách hợp lý theo hướng chú trọng chất lượng hoạt động.
Hoài Thu