Trả lại sự trong lành cho bãi biển Quy Nhơn
Quy Nhơn được thiên nhiên ban tặng dải bờ biển hình vòng cung tạo cảnh quan đẹp và là tiềm năng để phát triển du lịch. Thế nhưng, tình trạng tàu thuyền, ngư cụ tồn tại tràn lan trên bãi biển, gây nhiều hệ lụy cho môi trường và tác động xấu đến hình ảnh của một thành phố biển.
Bài 2: Cần phải di dời
Trao đổi về tình trạng tàu thuyền neo đậu ở bãi biển Quy Nhơn, hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc đều có chung một ý kiến là phải di dời để bảo đảm môi trường trong lành và mỹ quan đô thị.
Ông Nguyễn Kim Khuê - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng: Thực hiện di dời tàu thuyền khỏi khu vực bãi biển dọc tuyến Xuân Diệu - An Dương Vương sẽ tạo cảnh quan sạch đẹp, phục vụ cho nhu cầu tản bộ, vui chơi giải trí, tắm biển… của nhân dân và khách du lịch (DL) đến với Quy Nhơn. Mặt khác, đầu tư xây dựng hạ tầng khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của Quy Nhơn có nơi neo đậu tập trung, ổn định lâu dài, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế biển cũng như an sinh xã hội ngư dân là điều cần thiết.
“Qua nhiều cuộc hội thảo liên quan đến hoạt động DL tỉnh nhà, nhiều chuyên gia về kinh tế, và lãnh đạo các địa phương, khách DL trong và ngoài nước đều có ý kiến về việc tỉnh ta cần quy hoạch lại khu neo đậu tàu thuyền, để tạo không gian thoáng đãng, xanh sạch cho bãi biển, nhằm tạo luồng gió mới cho hoạt động DL. Tôi nghĩ, thời gian đến, các sở, ban, ngành cần phối hợp với chính quyền thành phố để thực hiện hiệu quả công tác di dời tàu thuyền… Có như vậy, hoạt động DL biển mới thật sự tạo được bước đột phá”, ông Khuê nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Khách sạn Hải Âu - Phó Chủ tịch Hiệp hội DL Bình Định, thì: “Rất nhiều du khách khi lưu trú tại Khách sạn Hải Âu đều có chung thắc mắc là tại sao dải bờ biển đẹp như vậy mà lại để tình trạng tàu thuyền neo đậu diễn ra trong thời gian dài như vậy. Theo tôi, việc di dời tàu thuyền, thu dọn triệt để các dụng cụ như chà rạo, lưới lồng, chồ, rớ… khỏi khu vực bãi biển ven đường Xuân Diệu - An Dương Vương để tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, tạo cú hích phát triển du lịch biển là hết sức cần thiết”.
Về tình trạng nuôi trồng hải sản tràn lan dọc biển Quy Nhơn, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở NN - PTNT), cho rằng: Việc ngư dân dùng lưới lồng để khai thác thủy sản (KTTS) ven biển Quy Nhơn phần lớn mang tính tự phát. Việc làm này không chỉ khai thác triệt để thủy sản mà còn tác động xấu đến môi trường và cảnh quan khu vực bãi biển. Để sớm chấn chỉnh tình trạng sử dụng lưới lồng KTTS, hiện nay, Sở NN - PTNT đang phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, khảo sát thực trạng sử dụng lưới lồng; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng ngư cụ lưới lồng để KTTS. Đồng thời tiến hành tham vấn cộng đồng ngư dân về ảnh hưởng của hoạt động lưới lồng đối với môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và đề nghị ngư dân ký cam kết không sử dụng lưới lồng để KTTS. Qua đó, góp phần trả lại sự thông thoáng, mỹ quan cho phố biển nói chung và bãi biển Quy Nhơn nói riêng.
Tuy nhiên, cũng theo nhiều người để việc di dời tàu thuyền triển khai thuận lợi, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần tính toán phương án tối ưu; có chế độ, chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân một cách phù hợp, thấu tình đạt lý. Cần có phương án di dời đảm bảo cho bà con ngư dân có cuộc sống ngang bằng với hiện nay.
Bà Hà Thị Thanh Hương - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), đề xuất: Việc lựa chọn địa điểm phải phù hợp với phong tục, tập quán của ngư dân để tránh tình trạng quy hoạch xong không di dời. Đồng thời có chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân an tâm thực hiện. UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ phương tiện thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ trong khu vực khu neo đậu mới. Ngoài ra, sau khi di dời, tại khu vực neo đậu mới cần có tổ tự quản để hướng dẫn, giám sát chủ các phương tiện thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải.
NHÓM PV PHÒNG BẠN ĐỌC-TƯ LIỆU
Vấn đề di dời tàu thuyền để tạo bãi biển sạch đẹp là đòi hỏi chính đáng và bức bách, nhưng làm thế nào để di dời được là điều rất khó. Cái chính theo tôi là phải quy hoạch cho được nơi neo đậu tàu thuyền mới thuận lợi, an toàn. Giải quyết được cái này rồi mới nghĩ đến chuyện di dời ra sao, hỗ trợ ra sao.... nếu nơi neo đậu mới không an toàn, không tiện lợi thì không thể di dời được.
Tôi rất tán đồng với việc tạo cảnh quan biển Quy Nhơn trong lành, sạch đẹp. Tình trạng ô nhiễm bãi biển Quy Nhơn gần đây đã được khắc phục đáng kể. Tuy nhiên, việc neo đậu tàu thuyền vẫn còn, mua bán, đánh cá, để dụng cụ đánh bắt cá trên bãi cát ven biển vẫn còn tùy tiện gây bức xúc ảnh hưởng đến mội trừơng và khách du lịch tham quan, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách nghiêm túc. Hơn nữa tỉnh, thành phố cũng cần phải có quy hoạch nơi neo đậu tàu thuyền phù hợp với điều kiện sinh hoạt, điều kiện sống của ngư dân ven biển bao đời nay..
Thực trạng thì đúng rồi, kéo dài cũng lâu rồi, tuyên truyền giáo dục tôi nghĩ cũng nhiều rồi, biện pháp đã có làm rồi mà hiệu quả mang lại thì quá ít. Đọc bài này thấy biện pháp sắp tới cũng chưa có gì mới. Phải mạnh tay làm đi chứ bây giờ vẫn còn "điều tra, khảo sát" với lại "tính toán phương án tối ưu" thì đến bao giờ mới thành hiện thực? biển QN liệu có sạch đẹp được không? Trong khi chờ phương án tối ưu, tôi đề nghị thế này: kéo dài và mở rộng hành lang dành cho tắm biển. Cụ thể là: chiều dài hành lang kéo liên tục nối liền 2 đoạn hiện có, chiều rộng xa bờ thêm 100m nữa. Trên suốt chiều dài hành lang có mở một số cửa rộng chừng 20-30m cho ngư dân đi thuyền thúng ra vào. Làm vậy sẽ đồng thời đánh giạt thuyền bè chồ rớ ra xa hơn, biển sạch và an toàn hơn. Song song là cấm chồ rớ lồng bè nuôi hải sản trước hành lang này. Nếu chính quyền và các cơ quan chức năng quyết tâm, đồng lòng sẽ từng bước thành công. Biển QN sẽ sạch đẹp như mong đợi.