Xây dựng gia đình phát triển bền vững ở An Lão
Đến nay, huyện An Lão đã có 21/57 thôn thành lập Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình phát triển bền vững”(CLB XDGĐPTBV) ở hai xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, huyện tiếp tục thành lập thêm 36 CLB ở các thôn còn lại. Kết quả hoạt động bước đầu cho thấy, mô hình này đã tạo ra sự thúc đẩy nhất định đối với công tác phụ nữ, công tác gia đình ở cơ sở.
Thêm kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc
Nằm trong công tác phối hợp giữa Phòng VH-TT và Hội LHPN huyện An Lão, trong 2 năm 2012 và 2013, 21 CLB XDGĐPTBV lần lượt được thành lập tại từng thôn ở các xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão. Xã An Hòa có 9 CLB với 1.571 thành viên, An Tân có 6 CLB với 460 thành viên, thị trấn An Lão có 6 CLB với 467 thành viên.
Mỗi CLB tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm định kỳ 3 tháng/ lần. Nội dung sinh hoạt “cứng” thường là tuyên truyền, phổ biến về Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; phòng, chăm sóc SKSS-KHHGĐ; về nhiệm vụ của phụ nữ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, vào những dịp kỷ niệm - ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3, ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10, chương trình sinh hoạt bài bản, phong phú hơn với nhiều hình thức: thi hỏi- đáp, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, hội diễn văn nghệ, giao lưu thể thao…
Lúc mới thành lập (cuối năm 2012), CLB XDGĐPTBV thôn Tân An, xã An Tân chỉ có 23 hội viên; đến nay, thành viên CLB đã lên đến 80 người. “Số lượng hội viên khá đông nên chúng tôi chia ra làm 4 tổ để tiện tổ chức các nội dung sinh hoạt. Trong 4 tổ, tổ Xóm Trong - xóm nghề nông, hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, đông đủ nhất. Những hoạt động bề nổi như văn nghệ, thể thao hay phổ biến, thi hỏi - đáp các chủ đề tuyên truyền… chị em rất hào hứng tìm hiểu, hưởng ứng. Cá nhân tôi và nhiều chị em khác cảm thấy CLB là một sân chơi rất gần gũi, bổ ích để phụ nữ chúng tôi trang bị thêm hiểu biết, kinh nghiệm về đời sống gia đình nói riêng và mọi mặt đời sống xã hội nói chung”, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân An, Chủ nhiệm CLB XDGĐPTBV của thôn, cho biết.
Là thành viên tích cực của CLB XDGĐPTBV thôn 7, thị trấn An Lão, cũng như nhiều phụ nữ H’re khác, chị Đinh Thị Tuyết tìm thấy ở mô hình CLB này một “điểm tựa tinh thần”. Theo chị, CLB thôn 7 tuy chỉ có 34 thành viên nhưng trong các kỳ sinh hoạt chị em đều tham gia hầu như đông đủ, cho thấy sức thu hút, hiệu quả thiết thực của CLB. “Những vấn đề tảo hôn, bạo lực gia đình, phụ nữ tham gia bảo vệ rừng, phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống…được nêu ra tại những buổi sinh hoạt thật sự hữu ích đối với phụ nữ dân tộc thiểu số chúng tôi. Hơn thế, dân tộc H’re tuy theo mẫu hệ nhưng vị trí người phụ nữ trong gia đình còn nhiều hạn chế. CLB là nơi chúng tôi có thể chia sẻ những khúc mắc trong đời sống gia đình và trông cậy ở cộng đồng, các tổ chức đoàn thể một hướng khắc phục”.
Tiếp tục nhân rộng
Từ khi thành lập 21 CLB điểm đến nay, tình hình bạo lực gia đình ở xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão giảm đáng kể so với những năm trước..........
(Đánh giá của Phòng VH-TT huyện An Lão)
Theo đánh giá của Phòng VH-TT huyện, từ khi thành lập 21 CLB điểm đến nay, tình hình bạo lực gia đình ở xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão giảm đáng kể so với những năm trước. Các CLB nhận được sự đồng thuận cao từ hội viên phụ nữ và người dân nói chung ở địa phương. Bên cạnh đó, trên thực tế, công tác gia đình là nhiệm vụ còn khá mới mẻ, nặng nề đối với hệ thống chính quyền ở cơ sở, lại không có cán bộ chuyên trách nên việc triển khai, hiệu quả công việc còn hạn chế. Do vậy, CLB XDGĐPTBV là một trong những cách làm linh hoạt để công tác gia đình ở cơ sở có điều kiện hoạt động tốt hơn.
Hiệu quả của mô hình có tác động thúc đẩy công tác phụ nữ, công tác gia đình, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt đời sống của địa phương. Chính vì lẽ đó mà từ năm 2012 - 2013, trên địa bàn huyện không chỉ có 21 CLB điểm được thành lập chính thức theo chủ trương của huyện mà còn “phát sinh” 4 CLB “tự phát”. Đó là CLB ở thôn 1 (xã An Trung), thôn 4 (xã An Dũng), thôn 6 (xã An Vinh) và thôn 3 (xã An Nghĩa). Thấy được ý nghĩa thiết thực, hội viên phụ nữ ở 4 thôn này tự vận động nhau lập CLB để cùng sinh hoạt, tự túc kinh phí.
Mô hình CLB XDGĐPTBV hoạt động chủ yếu bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện (1 triệu đồng/CLB/năm), có thể coi là sự quan tâm, đầu tư của huyện cho công tác này. Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng VH-TT huyện An Lão, cho biết: “Theo tôi, đây là mô hình phù hợp và rất có ý nghĩa đối với người phụ nữ nói riêng và người dân nói chung ở huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã chỉ đạo tiếp tục thành lập CLB ở 36 thôn còn lại. Qua thực tế hoạt động bước đầu ở 21 CLB điểm, chúng tôi đã kiến nghị huyện tăng mức hỗ trợ lên 2 triệu đồng/CLB/năm để đảm bảo hiệu quả hoạt động; mở các lớp tập huấn kỹ năng cho chủ nhiệm CLB để việc tổ chức sinh hoạt sáng tạo, thu hút hơn; trang bị mỗi CLB một máy chiếu phục vụ công tác tổ chức sinh hoạt, phổ biến tuyên truyền, trước mắt là cho 3 xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão, nếu kinh phí không đảm bảo thì bố trí trước cho xã đông dân nhất là An Hòa”.
SAO LY