Cái liềm của mẹ
Ngày trước, khi những cái liềm đã cùn, mẹ tôi mang chúng tới một xưởng rèn nằm tận ngoài rìa làng để cắt chấu. Lúc tôi mới lớn, mẹ sai tôi thay mẹ làm việc đó, và phải làm ở lò rèn đó. Vì chưa hiểu căn cớ nên sau mỗi lần như thế tôi lại nổi cáu lên rồi tự hỏi, tại sao trong làng có nhiều thợ rèn khác mà mẹ chỉ trung thành với mỗi ông thợ già lọm khọm ấy...
Lần giở ra tôi mới tỏ, trước đây chỉ có gia đình nghệ nhân ấy làm nghề rèn. Làng trên xóm dưới ai cũng sống nhờ vào công cụ từ bàn tay họ làm ra, nhất là những cái liềm sắc cứng, chấu nào ra chấu đó. Vậy mà đã có những tin đồn thất thiệt làm xưởng rèn ấy thất thế. Mẹ tôi là một trong số người ít ỏi vẫn tiếp tục đồng hành với xưởng rèn một thời vang bóng ấy...
Mỗi lần ra đồng nhìn thấy mẹ lom khom gặt lúa tôi lại phân vân, sao trong tay mẹ lúc nào cũng là cái liềm sắc bén nhất? Mặc ruộng sâu hay ruộng cạn, dù trời nắng hay trời mưa, mẹ có thể đưa tay đều đặn cả ngày cùng với cái liềm mà không thấy mẹ ngồi xuống nghỉ ngơi, không nghe mẹ than lưng đau gối mỏi. Cái liềm trên tay mẹ cứ mòn theo những vụ mùa để đổi lại tháng ngày no ấm, bình yên…
Ngồi bên thềm nắng những hôm rảnh rỗi mẹ kể, ngày xưa mẹ cũng ham chơi như các con bây giờ. Để đến một ngày bà ngoại răn bảo: “Con gái nông thôn mà không biết sử dụng thành thạo cái liềm thì mai này khổ lắm con ơi!”. Ngoại đã sắm cho mẹ một cái rổ nho nhỏ và một cái liềm rồi đặt ra mục tiêu, ít nhất một ngày phải hái cho được một rổ rau heo…
Kể từ đó, mẹ bắt đầu học sử dụng cái liềm. Thử thách là những lần đứt tay chảy máu khi tay mẹ cầm liềm chưa quen; những lần ra đồng hái rau vì mải mê bắt bướm, trốn tìm bị người ta lấy mất cả liềm lẫn rổ; những ngày rong ruổi từ sớm đến chiều mà không được cọng rau nào, về nhà bị bà ngoại đánh đòn… Quá khứ đó mẹ luôn ấp iu làm vốn liếng sống mỗi ngày...
Mẹ vẫn tự tay chọn cái liềm vừa ý cho mình tựa hồ trái tim mẹ chọn được bạn đời là bố vậy. Bởi thế, mẹ hết mực thương yêu và chung thủy với tình yêu ấy đến cùng. Mẹ nói: “Liềm tốt hay dở không tùy thời gian sử dụng mà dựa vào chất thép, độ nung chảy khi tôi trong lò và người sử dụng”. Có những cái liềm bị bào mòn thẳng băng, không còn hình thù cong cong nữa; có những cái liềm cán và lưỡi đều bóng lên màu hao hụt của thời gian, thế mà mẹ vẫn sử dụng ngon ơ...
Ngẫm ra, dáng hình cái liềm y như hình bóng cuộc đời mẹ vậy. Càng bị nắng mưa, gió sương tác động, càng mảnh khảnh, mong manh bao nhiêu thì giá trị vẫn cứ vẹn nguyên như thuở ban đầu…
NGUYỄN TIẾN DŨNG