Từ chuyện dưa ế !
Trong những ngày qua, tại cửa khẩu quốc tế Tân Thanh (Lạng Sơn) hàng ngàn xe chở dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ, khiến chủ hàng phải bán đổ bán tháo mà vẫn… “lỗ chổng vó”. Và hệ lụy kéo theo là hàng ngàn hộ nông dân trồng dưa, trong đó có nông dân Bình Định, cũng không tránh khỏi sự thua lỗ.
Đáng tiếc, đây không phải lần đầu người trồng dưa nước ta bị thua lỗ vì… “bí đầu ra”, mà quy luật “được mùa mất giá” đã diễn ra từ nhiều năm trước, khi nông dân bán bò trồng dưa rồi sau đó là đổ dưa cho bò ăn vì giá quá rẻ mạt. Năm nay dưa hấu ở nhiều tỉnh trong nước được mùa lớn. Thế nhưng, thay vì là niềm vui được mùa thì nông dân trồng dưa càng méo mặt, nước mắt lưng tròng vì thua lỗ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng ấy cứ kéo dài hết năm này sang năm khác? Trước hết vì nông dân không có thông tin thị trường mà làm ăn theo phong trào, thấy năm trước người khác trồng có ăn là năm sau nhào vô làm. Khi thị trường thuận lợi thì có ăn, nhưng khi thị trường có biến động, chẳng hạn như năm nay sức tiêu thụ bỗng dưng sụt giảm, thì bao nhiêu công sức “một nắng hai sương” mấy tháng trời và bao nhiêu vốn liếng đổ vào bỗng chốc đi tong. Không chỉ dưa hấu, nhiều loại nông sản, thủy sản như gạo, cao su, hồ tiêu, cà phê, cá nuôi… cũng vướng vào tình trạng đó.
Ngoài chuyện được mùa rớt giá ra, theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, hiện nay có tới 30% sản lượng nông sản sản xuất được hằng năm ở nước ta bị thất thoát, lãng phí vì khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch không kịp thời và đúng cách. Chẳng hạn như chuyện trồng dưa, đây là sản phẩm nông sản tươi không thể để lâu nếu không có nhà máy chế biến hoặc nhà kho để tồn trữ lâu dài. Trong khi việc thu hoạch lại diễn ra dồn dập trong một thời gian ngắn, nên nếu không bán kịp thì thành hàng phế phẩm, thậm chí đổ đi cũng khó.
Hiện nay, điều mong muốn nhất của người nông dân là thay vì ‘tự bơi” thì sẽ được các cơ quan chức năng hỗ trợ về nhiều mặt, nhất là có những giải pháp tích cực trong việc định hướng sản xuất, giúp đỡ giải quyết bài toán thị trường để họ thoát cảnh thua lỗ nợ nần, làm mà chẳng có ăn vì cảnh “được mùa mất giá” như lâu nay.
Bình An
Các Nhà quản lý chúng ta có Nhiều cái "tầm nhìn" rất xa và rộng. Ví dụ đang ở năm 2014 mà đã nhìn đến năm 2050 rồi.Tuy nhiên không có cái nhìn nào giống cái nhìn nào cả. Đến khi đụng chuyện ra,người dân ngao ngán thì mới bắt đầu mời các Chuyên gia phân tích nguyên nhân và hướng khắc phục. Từ câu chuyện " Dưa", câu chuyện" cá" đến " lúa" và tiếp theo là câu chuyện 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, người Dân bắt đầu mất niềm tin vào sự giám sát, và hoạch định của các nhà quản lý.